Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ đạo như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, sáng 13/4.
Theo ông, để phòng dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế cần thông tin đến các hiệu thuốc về trách nhiệm báo cáo với chính quyền sở tại những trường hợp "mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt trong thời gian qua"; đồng thời đề nghị những người này "khai báo y tế ngay lập tức".
"Nếu hiệu thuốc nào để sót các trường hợp trên thì sau này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đây là nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch bệnh, cửa hàng nào không thực hiện nghiêm có thể tước giấy phép kinh doanh", ông nói.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các phòng khám tư nhân, trạm y tế... khi có bệnh nhân ho sốt, khó thở đến khám thì "phải lấy mẫu" để xét nghiệm Covid-19.
Một hiệu thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) chiều 7/3. Ảnh: Thanh Huế
Đề cập việc những ngày gần đây các ca bệnh mới chỉ được ghi nhận ở Hà Nội, ông Chung nói những ổ dịch nhỏ trên địa bàn đã cơ bản được khống chế; bệnh viện Bạch Mai hết phong toả từ ngày 12/4; tuy nhiên hiện nay ổ dịch ở Hạ Lôi (xã Mê Linh) tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
"Thành phố phải tập trung dập ổ dịch Hạ Lôi, xác minh tất cả những người tiếp xúc với "bệnh nhân 243" - ca bệnh được ghi nhận đầu tiên ở đây", ông Chung nói.
Ngoài ra, ông cho rằng các ca dương tính trên địa bàn Mê Linh "có dấu hiệu liên quan đến nhiều tỉnh, thành từ Hà Tĩnh trở ra". Trước mắt, lực lượng chức năng cần cách ly tại nhà 14 ngày "ngay lập tức" những ai có yếu tố liên quan đến ổ dịch ở Mê Linh và những trường hợp còn sót lại của bệnh viện Bạch Mai.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng thông tin thêm, hiện ổ dịch Hạ Lôi nguy cơ lây lan sang thôn khác của xã Mê Linh. "Bệnh nhân 259" ở thôn này đã đi sang thôn Liễu Trì thuộc xã Mê Linh để giao hoa, tiếp xúc nhiều người. Thôn Liễu Trì cách thôn Hạ Lôi một con đường, với hơn 400 hộ dân, khoảng 2.000 người.
"Huyện đề xuất mở rộng xét nghiệm các hộ dân thôn Liễu Trì, chuẩn bị phương án có thể cách ly thêm thôn này khi phát hiện trường hợp dương tính", ông Trọng nói.
Cũng tại cuộc họp, ông Chung đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội truy tìm F0 của ca bệnh người Thụy Điển. "Trước sau cũng phải tìm F0 của "bệnh nhân 237". Kể cả khi dịch kết thúc rồi thì Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội vẫn phải tìm ra nguồn lây, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phòng ngừa", ông nói.
"Bệnh nhân 237", nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, di chuyển nhiều địa điểm như Ninh Bình (ngày 17/3), quay lại Hà Nội từ ngày 22/3 đến nay. Ông bị ung thư máu thể bạch cầu cấp. Ngày 26/3, ông bị tai nạn, được chở vào Bệnh viện Việt - Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó ông quay lại khách sạn. Ngày 31/3, ông bị chảy máu mũi, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám rồi chuyển sang Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Sáng 1/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm dương tính với nCoV.
Đến 15h ngày 13/4, cả nước ghi nhận 262 trường hợp dương tính với nCoV; Hà Nội nhiều nhất nước với 125 ca.
Theo Võ Hải/vnexpress.net