Mô hình đào tạo nghề may cho chị phụ nữ
Bốn khó khăn thách thức mà Văn phòng tư vấn XKLĐ, giới thiệu việc làm đối mặt
Chúng tôi xuống xã biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà ( Hà Tĩnh) giữa ngày hè nắng như đổ lửa, hỏi thăm Văn phòng tư vấn XKLĐ của đoàn xã, được Bí thư đoàn Nguyễn Tiến Dần cho biết: Thành phần nhân sự tham gia chủ chốt của Văn phòng gồm 5 người, do anh Lê Phi Nga - Phó Bí thư xã đoàn làm Tổ trưởng; đồng chí Nguyễn Thị Lương- Ủy viên Ban thường vụ xã đoàn làm Tổ phó và Lê Thị Trang - Ủy viên trực và các thành viên. Chương trình hoạt động của Văn phòng không chú trọng đến sản xuất ra sản phẩm mà chủ yếu là tư vấn XKLĐ, giới thiệu việc làm. Chỉ phần dịch vụ là liên quan đến sản xuất ra sản phẩm nhưng cũng chỉ là dịch vụ cắt chữ vi tính, làm biển bảng, pa nô quảng cáo…”. Anh Nguyễn Tiến Dần- Bí thư đoàn xã trao đổi.
Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng tư vấn XKLĐ đoàn xã Thạch Kim đã trải qua 2 năm phát triển. “Hai năm, chúng tôi đương đầu với nhiều khó khăn thách thức và cũng nếm trải những thất bại; nhưng hai năm chúng tôi đã khẳng định được những đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực mình làm, được cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như nhân dân xã Thạch Kim ghi nhận”. Anh Nguyễn Phi Nga - Phó Bí thư kiêm Trưởng ban văn phòng bộc bạch.
Theo anh Nga, có bốn khó khăn mà Văn phòng tư vấn của đoàn xã phải tháo gỡ: Một là lĩnh vực XKLĐ không mới, chứa đựng nhiều rủi ro. Hiện tại xã Thạch Kim đang phải giải quyết hậu quả trầm trọng của một cán bộ làm XKLĐ gây thất thoát bốn tỷ đồng, cho nên nhân dân Thạch Kim đang mất niềm tin vào XKLĐ. Hai là hiểu biết về đối tác không nhiều, qua kênh của các công ty XKLĐ. Ba là những bất cập của người lao động từ kỹ thuật, tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho đến những hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của đối tác là rào cản lớn. Bốn là vốn vay ban đầu cho người XKLĐ.
Văn phòng tư vấn lao động việc làm đoàn xã Thạch Kim
Giải bài toán vướng mắc trong XKLĐ
Để giảm tải rủi ro, Văn phòng đoàn xã Thạch Kim chỉ lựa chọn lĩnh vực tư vấn làm cầu nối cho người lao động với các Công ty XKLĐ, dĩ nhiên phải đảm bảo độ tin cậy cho người được giới thiệu. Văn phòng cũng luôn học hỏi tìm mọi cách để hạn chế rủi ro và qua quá trình hoạt động cũng đã rút ra những kinh nghiệm quý như: Chỉ có thể hợp tác với những Công ty XKLĐ có uy tín, có thương hiệu; hoàn toàn tránh những hợp đồng “béo bở”, những dịch vụ “cò mồi”.
Hiện tại Văn phòng đoàn xã Thạch Kim đã giới hạn tư vấn bốn chương trình đều thông qua Bộ LĐ-TB& XH. Đó là chương trình IM Japan là chương trình hỗ trợ ngư dân miền Trung sau sự cố Formosa. Hiện đã có 4 người thi tuyển (trong đó có 2 nam và 2 nữ). Chương trình EPS của Bộ LĐ-TB&XH với Hàn Quốc dành cho đối tượng nam ngư dân ven biển miền Trung độ tuổi từ 28 đến 35 học tiếng Hàn. Hiện tại đoàn xã đã gửi 22 người đến trường ICO, Chi nhánh Nghệ An để đào tạo tiếng Hàn Quốc. Những lao động này chỉ cần thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn có cơ hội được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Chương trình thứ ba là đánh cá gần bờ biển Đài Loan, Thái Lan. Hiện đã có 7 người đi Đài Loan, còn ở Thái Lan đang triển khai và đã có 2 người nộp hồ sơ. Chương trình XKLĐ đi Singapo dành cho người biết tiếng Trung, tiếng Anh thông qua Công ty TTNHH dầu khí Hải Phòng, Chi nhánh Hà Nội…
Mặc dầu đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, lường hết mọi khả năng có thể xảy ra, nhưng 2 năm hoạt động Văn phòng không tránh khỏi những rủi ro. Hầu hết những rủi ro này đến từ phía người lao động do một số lao động ký hợp đồng đánh cá gần bờ biển Đài Loan, nhưng sang nước bạn lại bỏ công công việc đã ký kết, lên bờ đi làm việc làm khác có thu nhập cao hơn; hoặc do bệnh tật nên sang nước bạn bị trục xuất về...
Đoàn viên văn phòng đoàn xã Thạch Kim làm việc trên tinh thần tất cả vì người lao động
Chủ động dạy nghề, tư vấn XKLĐ cho những ngư dân sau sự cố môi trường biển miền Trung
Ông Phạm Xuân Lộc- Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim cho biết: “Thạch Kim đất hẹp người đông. Với diện tích 32,5ha, 2.019 hộ với 10.836 nhân khẩu, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên có hơn 2.700 người chiếm hơn 25% dân số; ngành nghề chủ yếu khai thác đánh bắt hải sản, buôn bán dịch vụ và XKLĐ nước ngoài. Hiện tại chúng tôi có 800 công dân lao động ở nhiều nước trên thế giới. Xác định XKLĐ là một mũi phát triển kinh tế, chúng tôi đã giao cho đoàn xã tổ chức Văn phòng tư vấn XKLĐ, giới thiệu việc làm. Gần đây, khi sự cố Formosa xảy ra, một số lao động đánh bắt nuôi trồng, dịch vụ buôn bán hải sản khó khăn trong tìm kiếm việc làm, Văn phòng đã chủ động tìm kiếm công ăn việc làm, đào tạo nghề cho lao động địa phương”.
Tính đến nay, Văn phòng tư vấn XKLĐ đoàn xã Thạch Kim đã tư vấn hơn 300 lượt người và làm thủ tục XKLĐ cho 40 người. Đặc biệt, thời gian gần đây, Văn phòng đã tích cực liên hệ, hợp tác làm thủ tục xuất cảnh cho anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Giang Hà), Nguyễn Văn Luân (thôn Long Hải) đánh bắt xa bờ ở Đài Loan và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyến (thôn Hoa Thành) lao động phổ thông ở Đài Loan xuất cảnh ngày 28/5/2016.
Do nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn gắn liền với giải quyết công ăn việc làm, Văn phòng đã năng động mở hai lớp nghề ngắn hạn chế biến thực phẩm và cắt may cho đối tượng là lao động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và buôn bán dịch vụ hải sản. Theo đó, lớp cắt may gồm 26 lao động đã khai giảng tháng 5 vừa qua. Cô Lê Thị Trang cho biết: “Quyết tâm của chị em học lớp may rất cao, vì đa số chị em vào học lớp này trước đây là nghề buôn bán cá, lâu nay không có việc làm nên học bằng được để hy vọng chuyển đổi nghề nghiệp”.
Bên cạnh đó cũng có một số lao động học nghề chế biến thực phẩm đã mở dịch vụ nhà hàng. Lớp học nghề tuy ngắn hạn, nhưng đã có được kỹ thuật cơ bản lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến món ăn cũng như trang trí bày món ăn bắt mắt, hấp dẫn với thực khách. Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư mở nhà hàng phục vụ ăn uống, tạo thu nhập ổn định..