Trong khuôn khổ, Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh được Tổ chức Hợp tác phát triển Canada (CIDA) tài trợ, với tổng số vốn 11,4 triệu đôla Canada (tương đương 220.225 triệu đồng), trong đó, vốn ODA 10 triệu đôla Canada, vốn đối ứng của tỉnh 1,4 triệu đôla Canada. Theo đó, Dự án được thực hiện trong 5 năm (2011-2016) tại 13 xã thuộc 3 huyện Thạch Hà, Kỳ Anh và Đức Thọ, với các hạng mục hỗ trợ chủ yếu như: máy móc, phương tiện, công trình hạ tầng quy mô nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các cuộc đối thoại nhằm mục đích hướng tới góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường nông sản, tăng cường hiệu quả của chương trình Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, hộ quy mô nhỏ tại Hà Tĩnh; tạo cơ hội thảo luận bàn tròn giữa cac doanh nghiệp, người sản xuất, chính quyền địa phương về chính sách phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh...Trong đó chú trọng nội dung phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; quy hoạch nông nghiệp; bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong chính sách phát triển thị trường nông sản.
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều ý kiến như: Vấn đề đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục tiếp cận một số chính sách còn gặp nhiều cản trở, chưa có tư duy về thị trường, doanh nhiệp liên kết với nông dân, các trang trại còn ít,… Tuy vậy, đánh giá của các chuyên gia trong đoàn thì Hà Tĩnh có lợi thế rất lớn về mặt cơ chế thu hút đầu tư. Qua đó, các doanh nghiệp có điều kiện xúc tiến đầu tư kết nối với tổ hợp, HTX vào lĩnh vực này hiệu quả nhờ phát huy các thế mạnh như: Vốn, công nghệ, thị trường, đào tạo nhân lực, mô hình…
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Đại sứ quán Canada, Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông phát triển (RED) đề nghị Hà Tĩnh cần chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát tổng thể các chính sách để xây dựng một văn bản quy định chung nhất các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư của tỉnh.