Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Tĩnh: Khởi công Lễ đúc tượng và Khánh thành Đền thờ Vua Mai Hắc Đế

Sáng 12/2, tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khởi công Lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế và Lễ Khánh thành Đền thờ Vua Mai Hắc Đế. Đến dự có Chủ tịch mước Trần Đại Quang, Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chung Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp Nhà nước, Quốc hội, Trung ương, các Bộ, ngành, cùng lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng đông đảo bà con nhân dân Hà Tĩnh và Nghệ An...

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cắt băng khánh thành Đền thờ Mai Hắc Đế

Mai Hắc Đế, tên tự là Mai Thúc Loan, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, tại làng Mai Lâm, làng cổ xưa nhất của đất Hoan Châu (nay là Thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải theo mẹ rời quê lên sống ở làng Ngọc Trừng, Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An). Lớn lên, ông nổi tiếng khắp vùng vì thông minh, sức khỏe phi thường, giỏi đấu vật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương trước Đền thờ Mai Hắc Đế

Mùa thu hoạch vải năm 712, Mai Thúc Loan được cử phụ giúp việc chỉ huy đội dân phu gánh vải quả sang cống nộp điều đình Tràng An. Trên đường cống nộp gian nan, nhân cớ bọn lính áp tải đánh đập dân phu, ông đã kêu gọi mọi người cùng chống lại bọn quan quân nhà Đường.

Lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế

Việc xây dựng căn cứ địa, tại thung lũng núi Hùng Sơn (Nam Đàn) thuận theo lòng quân dân, tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan xưng đế và đóng đô ở thành Vạn An. Năm Giáp Dần (714), sau khi đánh chiếm được quận lỵ Hoan Châu và Châu Ái, mở rộng địa bàn khởi nghĩa ra các châu, huyện miền Trung, Mai Hắc Đế cùng đại quân tiến đánh thành Tống Bình (Hà Nội), đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, đất nước được độc lập.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương vaf địa phương tại lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế

Năm 722, Đường Minh Hoàng huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc thống lĩnh sang đàn áp, hòng tái chiếm nước ta. Dưới sự chỉ huy của Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh, hai đạo quân thủy bộ đã chiến đấu anh dũng với quyết tâm bảo vệ bằng được thành Tống Bình. Nhưng trước thế giặc quá mạnh, nghĩa quân bị tổn thất lớn, thành Tống Bình rơi vào tay nhà Đường. Mai Hắc Đế rút quân về thành Vạn An, dựa vào hệ thống phòng thủ để chống giặc. Nhiều trận đánh khốc liệt diễn ra từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam. Cuối cùng thành Vạn An bị thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, một thời gian sau ông lâm bệnh rồi mất.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh tại lễ khánh thành Đền Mai Hắc Đế

Sau khi Vua Mai Hắc Đế mất, để tưởng nhớ công ơn của ông cùng các tướng sỹ, nhân dân nhiều nơi trong nước đã lập đến thờ phụng, trong đó có đền Mai Hắc Đế tại quê nhà nay là thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế

Do trải qua các cuộc chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi Đền xuống cấp, trong một thời gian dài Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Hà tiến hành trùng tu, sữa chữa, nhưng chỉ mới chống xuống cấp và sữa chữa những hạng mục nhỏ. Năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ, xây dựng Đền thờ, tượng đài và Quảng trường Vua Mai Hắc Đế và được sự phát tâm của Quỹ thiện tâm- Tập đoàn Vingroup tài trợ chính (với tổng kinh phí 61 tỷ đồng) và công đức của nhiều tổ chức, cá nhân cùng con cháu dòng họ Mai khắp mọi miền Tổ quốc.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo cao cấp Trung ương , địa phương trước buổi lễ đúc tượng Vua Mai Hắc Đế

Đền được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 19/02/2016. Đền thờ có khuôn viên hơn 7.000m2, trong đó diện tích xây dựng gần 1.000m2 với các hạng mục: nghi môn, tả vu, hữu vu, tiền tế, khu đền chính, nhà thủ từ, cổng phụ, tường bao, hệ thống sân vườn cảnh quan và các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang bắt tay Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Việc hoàn thành dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đồng thời giáo truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng vẻ vang của đất nước cho các thế hệ nhân dân và là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch biển, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch của Lộc Hà nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh và khu vực nói chung, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội và quá trình hội nhập quốc tế”.

Công trình Tượng đài và Quảng trường Vua Mai Hắc Đế được xây dựng tại Khu du lịch biển Cửa Sót, trên diện tích 4,58ha. Tượng đài được đúc bàng Đồng liên kết khối cao 6,8m. Khối tượng nằm trên đế bệ hình vuông kích thước 23,45 x 23,45m; cao 1,35m. Phần đế tượng cao 4m so với sân Quảng trường. Công trình Tượng đài Vua Mai Hắc Đế cũng do Tập đoàn Vingroup tài trợ chính với tổng kinh phí 20 tỷ đồng

Lễ khởi công xây dựng chùa Triều Sơn

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, tại xã Mai Phụ, UBND huyện Lộc Hà cũng đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Chùa Triều Sơn với sự có mặt của lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Giáo Hội phật giáo Việt Nam các cấp. Chùa Triều Sơn được xây dựng từ năm 1748, thời Vua Lê, cách đây 269 năm là một công trình văn hóa tâm linh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lễ khởi công xây dựng chùa Triều Sơn

Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa đã xuống cấp và đã được tu sữa nhiều lần nhưng do kinh phí hạn hẹp nên cũng chỉ dừng lại ở việc trùng tu và sữa chữa nhỏ. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sự giúp đỡ phát tâm, thiện nguyện của Tập đoàn Sungroup, UBND huyện Lộc Hà đã phối hợp với Tập đoàn Sungroup long trọng tổ chức Lễ động thổ xây dựng Chùa Triệu Sơn, với tổng kinh phí 75 tỷ đồng.