Sau khi cuộc gọi kết nối thành công, hai bộ trưởng vẫy tay chào và trò chuyện vui vẻ. Họ khen hình ảnh cuộc gọi sắc nét, âm thanh trong. Ngoài ra, tín hiệu được đánh giá không có độ trễ.
Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.
Trước đó, hồi tháng 5/2019, Viettel từng thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên, song bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác Ericsson.
Hiện trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.
"Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho người dùng", đại diện Tập đoàn Viettel cho hay.
Viettel đặt mục tiêu đến 6/2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6/2021 thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "Hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Trước đó, ngay khi nhậm chức Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông từ cuối năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam không chỉ triển khai nhanh mạng lưới cho phát triển 5G, mà còn phải sản xuất được thiết bị 5G.