Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bản án nhẹ nhưng bị cáo vẫn kháng cáo
Từ ngày 28 đến 30/1/2019, TAND Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285, Bộ Luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, mấy ngày sau, TAND Thành phố Hà Nội nhận được kháng cáo của ông Bùi Văn Thành. Trong đơn kháng cáo của ông Thành có đề nghị tòa phúc thẩm xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của ông để cân nhắc, xin hưởng… án treo.
Tương tự, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân cũng bị phạt với tội danh như vậy và ông Tân cũng kháng cáo, không chấp nhận bản án 36 tháng tù giam do TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt. Ông Trần Việt Tân không chấp nhận nội dung cũng như hình phạt, bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét.
Trong khi đó, Viện Kiểm sát cũng đã kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị, Viện Kiểm sát kết luận tòa sơ thẩm đã xác định không đúng bản chất và trái quy định của pháp luật khi tính toán thiệt hại và quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án. Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, thiệt hại trong vụ án cần được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỷ đồng mới phù hợp với thực tế. Trong khi đó, bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án, cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước.
Mức phạt 30 và 36 tháng tù giam đối với hai cựu Thứ trưởng được xem là nhẹ so với những sai phạm và hậu quả các ông ấy gây nên. Tuy nhiên, cả hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an đều kháng cáo.
Phân tích, nhận định trước phiên tòa phúc thẩm
Khi các bị cáo kháng cáo không chấp nhận kết quả phiên tòa sơ thẩm, sẽ có phiên tòa phúc thẩm sau đó. Nhân vật chính của vụ án này là Thượng tá Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi là Vũ “nhôm”. Quá trình điều tra đã chỉ ra rằng, nếu không có sự “giúp sức” của các cựu Thứ trưởng, Vũ “nhôm” không thể thâu tóm hàng loạt bất động sản, nhà đất công sản như vậy. Do đó, TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt hai bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chính xác.
Vậy hai cựu Thứ trưởng căn cứ vào đâu để kháng cáo và mong được giảm nhẹ hình phạt?
Có một lập luận mà các luật sư của bị cáo hay đưa ra để mong tòa án giảm nhẹ tội cho bị cáo là trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật nên phạm tội. Trong trường hợp của hai cựu Thứ trưởng này, lập luận quen thuộc này hoàn toàn không phù hợp. Một người là Thượng tướng, người khác là Trung tướng và cả hai đều đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Với chức vụ này, cương vị này ở một bộ như Bộ Công an thì không thể nói là không am hiểu phát luật được! Ngược lại, họ là những người nắm chắc pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Đây thậm chí là tình tiết tăng nặng vì biết mà vẫn làm, nghĩa là cố tình vi phạm.
Chỉ những người có chức, có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chống lại những quan chức đã đã biến chất. Cuộc đấu tranh này khi nào cũng khó khăn, phức tạp.
Nóng lòng chờ đợi phiên tòa phúc thẩm
Nguyên lý tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật cần được nhắc lại ở đây. Nghĩa là Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm phải hết sức bản lĩnh và công minh trước các bị cáo là những ông tướng và cựu Thứ trưởng Bộ Công an.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra căng thẳng, quyết liệt thì sự công tâm, nghiêm khắc, chính xác của các phiên tòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngoài việc chỉ ra những hành vi vi phạm pháp luật cụ thể, thiết nghĩ các quan tòa cũng nên lưu tâm đến một điều quan trọng khác nữa. Đó là việc Đảng và Nhà nước ta đã tin tưởng vào những con người được đào tạo, được thử thách; phong cho họ chức vị cao, trao cho họ quyền lực lớn. Việc những người có chức vụ cao, có quyền lực lớn vi phạm pháp luật khiến cho nhân dân hoang mang, nghi ngờ và nêu câu hỏi: “Tại sao những con người được tin tưởng như thế lại phạm tội?”. Rõ ràng, các phiên tòa cần góp phần trả lời câu hỏi này. Điều này giúp lấy lại niềm tin trong nhân dân cũng như cảnh báo để những người đi sau không không mắc phải sai lầm tương tự.
Sau khi hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an đều làm đơn kháng cáo, dư luận cũng như báo chí đang nóng lòng mong chờ phiên tòa phúc thẩm. Việc xã hội quan tâm cũng ít nhiều tạo ra áp lực cho các quan tòa, nhưng bản án nghiêm khắc để các bị cáo “tâm phục, khẩu phục” cần phải được tuyên phạt ở phiên phúc thẩm. Điều này có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
Trần Nghiêm/TC GĐ&TE