Theo Thông báo, kế hoạch biên chế năm 2014, 2015 và 2016 của UBND tỉnh Hải Dương gửi Bộ Nội vụ chậm theo quy định; giao chỉ tiêu công chức năm 2013, 2014 và 2016 cho các cơ quan vượt so với Bộ Nội vụ giao; chưa điều chỉnh đề án vị trí việc làm tại một số cơ quan để phù hợp với quy định của pháp luật. Có 10 cơ quan sử dụng 79 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP để thực hiện công việc chuyên môn trong cơ quan hành chính; 1 cơ quan sử dụng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt so với chỉ tiêu được giao; 2 cơ quan sử dụng viên chức làm công việc của công chức.
“Còn 228 hồ sơ được bổ nhiệm thiếu một số văn bằng, chứng chỉ (chủ yếu là thiếu chứng chỉ trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ) chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm, một số trường hợp bổ nhiệm thực hiện không đầy đủ trình tự (chủ yếu là thiếu đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề xuất, giới thiệu phương án nhân sự; nhận xét, đánh giá của thủ trưởng trực tiếp khi bổ nhiệm lại, tờ trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại); 6 cơ quan sử dụng vượt quá số lượng lãnh đạo cấp phó. Nhiều trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm hoặc chưa hết thời gian giữ chức vụ, kéo dài thời gian giữ chức vụ không đúng quy định”, thông báo nêu rõ.
Thông báo kết luận thanh tra
Bên cạnh đó, 1 viên chức được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo của công chức, 2 công chức xã được điều động, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện không đúng quy định, 1 trường hợp bổ nhiệm chức vụ kiêm nhiệm chức vụ của cơ quan khác không đúng thẩm quyền bổ nhiệm. Qua kiểm tra có 520 hồ sơ của công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, còn phát hiện 282 hồ sơ thiếu một số văn bằng, chứng chỉ, có 4 trường hợp giữ ngạch công chức không phù hợp với vị trí việc làm.
Việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước, thông báo khẳng định: “tỉnh Hải Dương có 20 cơ quan thực hiện ký 213 hợp đồng lao động để làm công tác chuyên môn là không đúng quy định của pháp luật”.
Với những tồn tại nêu trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo thực hiện chấm dứt việc sử dụng viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP để làm công việc của công chức và thực hiện hợp đồng lao động, để làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tuyển dụng công chức theo quy định; thực hiện việc quản lý hồ sơ công chức theo quy định của pháp luật; rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn công chức để bổ sung các văn bằng, chứng chỉ còn thiếu hồ sơ công chức;
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương phải xếp lại ngạch, miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với công chức không đáp ứng về trình độ chuyên môn; có kế hoạch gửi công chức chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, đi đào tạo, bồi dưỡng trước ngày 30/6/2017. Đồng thời, tỉnh Hải Dương kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện không đúng quy định của pháp luật…
Ngày 11/1/2017 Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đã có Thông báo số 40/TB-TTBNV kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng; số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương. Thông báo đã nêu rõ một số thiếu sót trong việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại LĐ-TB&XH, có 2 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính; một số trường hợp có thời gian làm công chức tại Sở chưa bảo đảm để đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng quy tụ nhưng đã được bổ sung quy hoạch và được bổ nhiệm phó trưởng phòng; một số trình tự bổ nhiệm chưa được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm... |