Sống chết mặc bay?
Mới đây, bà Đặng Thị Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng đã có đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng về việc ngày 29/10/2019, khi bà cùng một số cổ đông đến trụ sở chính của Công ty tại số 84-86 Điện Biên Phủ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng để điều hành Công ty và thu hồi những tài sản của công ty bị bà Nguyễn Thị Tuyết Len (nguyên Giám đốc công ty) chiếm giữ trái phép, thì bị một người đàn ông tên Hoàng, có biệt danh là "Hoàng lùn" cản trở, hành hung. Việc bà Hải đến trụ sở cũng đã được trình báo công an phường sở tại.
Theo bà Hải, người này không phải là cổ đông của công ty, cũng không phải là người lao động, mà là dân xã hội được thuê đến để uy hiếp, cản trở bà cũng như các cổ đông vào công ty để quản lý tài sản.
Theo clip hiện trường ngày 29/10/2019 ghi lại, trong lúc bà Hải nỗ lực vào công ty, với sự chứng kiến của rất nhiều người mặc sắc phục cảnh sát đứng cạnh, bất ngờ ông Hoàng xông vào, kéo mạnh tay bà Hải khiến bà ngã nhào xuống vỉa hè. Không dừng lại, người này còn tiếp tục có thái độ hung hăng. Bà Hải sau đó được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện với nhiều thương tích trên cơ thể. Điều đáng nói, sự việc diễn ra ngay trước mặt nhiều người mặc sắc phục cảnh sát.
Cũng theo đơn tố cáo, đây không phải là lần đầu người đàn ông tên Hoàng thực hiện những việc làm cản trở bà Hải vào công ty và quản lý tài sản của công ty. Trước đó, tại địa điểm số 38 Đinh Tiên Hoàng, khi bà Hải cùng cổ đông đến thu dọn để sử dụng trụ sở này, ông Hoàng cùng một nhóm đàn ông cũng đến cản trở, trước sự chứng kiến của lực lượng công an.
Là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, bà Hải không thể vào trụ sở công ty, không thể quản lý tài sản mà liên tục bị uy hiếp, hành hung khi chính quyền không hề có động thái can thiệp. Hậu quả của sự việc này là thiệt hại vô cùng lớn của về tài sản của doanh nghiệp và thiệt hại niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền.
Theo phản ánh, ngoài tài sản là trụ sở số 84-86 Điện Biên Phủ, số 38 Đinh Tiên Hoàng bị ngăn cản, chiếm giữ, Công ty công nghệ phẩm Hải Phòng còn bị chiếm một số sơ sở kinh doanh khác tại đường Trần Phú, quận Hồng Bàng và những đối tượng chiếm giữ được cho là có sự "hậu thuẫn" của người có thế lực.
Chính quyền vô trách nhiệm hay làm ngơ cho sai phạm?
Sự việc bắt nguồn từ năm 2011, khi Công ty Công nghệ phẩm Hải Phòng tổ chức phiên họp hội đồng quản trị vào ngày 21/11/2011. Tại phiên họp này, bà Đặng Thị Hồng Hải được Hội đồng quản trị công ty bầu làm Giám đốc, thay thế cho bà Nguyễn Thị Tuyết Len. Tuy nhiên, sự việc này đã gặp sự phản đối của bà Len. Sau đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường công ty ngày 28/5/2013, Đại hội đồng cổ đông vẫn tiếp tục phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với bà Đặng Thị Hồng Hải.
Không đồng ý với quyết định của Đại hội đồng cổ đông, một nhóm cổ đông của công ty đã khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, trải qua 3 phiên tòa, yêu cầu của các cổ đông này đã bị tòa bác yêu cầu khởi kiện, không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn.
Cụ thể, tại bản án sơ thẩm năm 2013, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng bác đơn của nhóm cổ đông này và công nhận hiệu lực của nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty.
Khi được bầu là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty, bà Đặng Thị Hồng Hải đã nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh để thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật. Song, hồ sơ của Công ty cổ phần Công nghệp phẩm Hải Phòng bị Phòng Đăng ký kinh doanh "treo" với lý do có tranh chấp.
Đến ngày 16/5/2014, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo kháng cáo của các nguyên đơn. Tại Bản án số 79/2014 ngày 16/5/2014, Tòa án đã bác kháng cáo, giữ nguyên nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc phê chuẩn bà Hải giữ chức Giám đốc công ty.
Năm 2017, tại Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao số 20/2017 ngày 14/7/2017, do Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình ký, một lần nữa tuyên giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 79/2014.
Tưởng chừng sự việc đến hồi kết, tuy nhiên sau 3 bản án có hiệu lực, hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty vẫn không được thay đổi. Điều này đã khiến bà Đặng Thị Hồng Hải là giám đốc thực sự thì phải sống kiểu "lưu vong", do không thể vào công ty để quản trị, điều hành. Còn bà Len, mặc dù không còn là giám đốc theo quyết định của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông vẫn tiếp tục sử dụng chức danh này để hoạt động, ký nhiều hợp đồng, giao dịch với doanh nghiệp khác, không chịu bàn giao.
Trước sự việc này, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã nhiều lần ra quyết định Thi hành án, thậm chí là ra quyết định cưỡng chế... Tuy nhiên, những quyết định này hình như cũng chỉ để cho có, vì chúng chưa bao giờ được thực hiện, khiến cho sự việc vẫn bị "ngâm" cho đến tận giờ.
Theo bà Hải và các cổ đông, do không thể cưỡng chế, thu hồi tài sản bị chiếm giữ nên nhiều đơn vị không nắm bắt được tình hình công ty đã ký hợp tác với Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng do bà Len làm đại diện. Sự việc này đã khiến một ngân hàng có chi nhánh tại Hải Phòng làm đơn tố cáo bà Len có hành vi, dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 3 tỷ đồng.
Không những thế, hiện nay Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng do bà Len điều hành đang nợ hơn 4,1 tỷ đồng tiền thuê trụ sở, nợ thuế, chậm thuế hơn 1,2 tỷ đồng, nợ tiền bảo hiểm xá hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng trăm triệu đồng.
Đây là hậu quả rất nặng nề mà theo như các cổ đông công ty, nếu không được giải quyết sớm thì công ty cũng bị xóa sổ vì nợ nần, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác lãnh hậu quả do sự tắc trách của cơ quan chức năng.