Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người

(Dân sinh) - Nhằm nâng cao nhận của các cấp, các ngành và nhân dân về phòng, chống mua bán người (MBN). Trong những năm qua TP Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống MBN; quan tâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Hải Phòng: Nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại quận Kiến An, Hải Phòng.

Báo cáo đánh giá kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 3 "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016-2020 của Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, trên cơ sở các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Ban chỉ đạo 799 thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống MBN tại đơn vị, triển khai các hoạt động xác minh, hỗ trợ y tế, văn hóa, học nghề, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các quận, huyện tổ chức 10 hội nghị tập huấn, 117 buổi tuyên truyền về Luật phòng, chống MBN và các văn bản liên quan cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố với sự tham gia của hàng vạn lượt người. In và cấp phát gần 25 nghìn tờ gấp với tiêu đề "Đừng trở thành nạn nhân của MBN vì thiếu hiểu biết", "Hãy góp tay phòng, chống nạn MBN" tại các buổi tuyên truyền.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống MBN được triển khai sâu rộng trong quần chúng nhân dân với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống MBN. Thành phố cũng đã bố trí nguồn lực tài chính đảm bảo cho nạn nhân bị mua bán trở về tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng; đồng thời, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân từng bước chuẩn hóa…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại, như: Trường hợp nạn nhân tự trở về địa phương không có giấy tờ pháp lý, có tâm lý xấu hổ, mặc cảm với quá khứ nên không khai báo để nhận được sự quan tâm hỗ trợ; có trường hợp không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chủ yếu làm kiêm nhiệm nên nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời.

Hải Phòng: Nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán người trở về. Ảnh: Minh họa.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, trong thời gian tới để Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân" giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay Sở đề ra các mục tiêu cụ thể, như: Các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục để xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo qui định của pháp luật; tất cả các nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo qui định của pháp luật; các cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm về MBN; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho NLĐ trước khi đi làm ăn xa, XKLĐ và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, có tính khả thi cao, tạo khung pháp lý thuận lợi cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tổng kết các mô hình phòng, chống MBN, nhất là mô hình hỗ trợ nạn nhân bị MBN; nghiên cứu ban hành Quyết định phê duyệt khung định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân để các tỉnh, thành phố có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân.