Tích cực truyền thông, chung tay đẩy lùi nạn mua bán người
Góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại xã hội an toàn cho tất cả mọi người, Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, hàng năm ngoài tăng cường thông tin, truyền thông, tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị, còn triển khai nhiều các hoạt động như, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”…,
Qua các hoạt động, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân, Trung tâm Công tác xã hội thành phố, Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Trong đó tập trung tuyên truyên về phương thức, thủ đoạn hoạt động, cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa, kết quả công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân của các cơ quan, lực lượng chức năng; In tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu với các nội dung: “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người”, “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội”, “Cộng đồng chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”;
Tuyên truyên, phổ biến đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người (thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111); Thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người qua Tổng đài tư vấn miễn cước cuộc gọi 1800.6605;
Xử lý thông tin, tư vấn trợ giúp xã hội trong đó có đối tượng là nạn nhân bị mua bán, chuyển tuyến các trường hợp là nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán; thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; tiếp cận, hướng dẫn nạn nhân bị mua bán trở về lập hồ sơ, đề nghị xác minh và hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ, đúng quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân.
Kịp thời phát hiện những sai phạm, dấu hiệu có liên quan phòng ngừa
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH cũng yêu cầu Phòng Việc làm - An toàn lao động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động môi giới, giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kịp thời phát hiện những sai phạm, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người để phòng ngừa bị mua bán.
Ngoài ra, hàng năm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội còn phát tờ rơi cho các đơn vị tuyên truyền với nội dung: “Hãy trang bị kiến thức, luôn phòng ngừa, cảnh giác để không trở thành nạn nhân bị mua bán người” để tuyên truyền tới mọi người dân về công tác phòng chống mua bán người, không bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ, lôi kéo.
Đặc biệt tuyên truyền tới người dân khi đến Trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký tìm việc làm để giúp họ có thêm kiến thức về lĩnh vực phòng chống mua bán người và di cư trái phép.
Thông qua các hình thức truyền thông, tuyên truyền đa dạng, các buổi tập huấn tổ chức tại các thị xã, phường… Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng mong muốn phụ nữ và nhân dân được trang bị thêm kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người trên không gian mạng, nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người.
Thông qua việc tuyên truyền phòng chống mua bán người và di cư trái phép đã giúp cho người dân nắm được kiến thức về công tác phòng chống mua bán người để tuyên truyền tới gia đình và mọi người dân.