Theo Tuổi Trẻ, ngày 3-12, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra việc hai nữ phóng viên của hai cơ quan báo chí này nhận được tin nhắn đe dọa.
Cả hai phóng viên đều nhận được những tin nhắn có nội dung giống nhau được gửi từ một số điện thoại.
Cụ thể, đêm 2-12, phóng viên Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên, công tác tại Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam) nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ xxx7933 với nội dung đe dọa. Người dùng số điện thoại này nhắn tin yêu cầu phóng viên dừng lại việc điều tra nếu không "cả nhà sẽ phải chết".
Phóng viên Liên Liên hóa trang điều tra vụ bảo kê thu tiền bến bãi tại chợ Long Biên - Ảnh: NVCC
"Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày" - nội dung tin nhắn mà phóng viên Liên Liên nhận được.
Cũng trong đêm 2-12, phóng viên Liên Liên tiếp tục nhận được tin nhắn đe dọa với nội dung: "Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao".
Tương tự, nhà báo Thu Trang - trưởng đại diện Báo Phụ nữ TP.HCM - cũng nhận được hai tin nhắn với nội dung đe dọa giống như trên cùng một số điện thoại xxx7933.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phóng viên Liên Liên cho biết "cảm thấy rất bất an, hoang mang bởi những đối tượng đe dọa có thể là những đối tượng phức tạp có thể gây nguy hiểm đến tôi và gia đình. Tôi rất mong các lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý đối tượng nhắn tin đe dọa".
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết đã nhận được công văn của Đài Truyền hình Việt Nam và sẽ tiến hành xác minh, điều tra.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 9, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP.HCM đã đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên.
Nội dung tin nhắn đe dọa gửi tới 2 nữ phóng viên - Ảnh: NVCC
Phóng viên Liên Liên và Thu Trang là tác giả loạt bài nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội. Nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian nhập vai, đi thực tế tại chợ Long Biên và quay được nhiều hình ảnh về tình trạng có một nhóm người "bảo kê", thu tiền bến bãi của các tiểu thương.
Sau khi loạt bài được đăng tải, cơ quan công an đã khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản và hiện vẫn trong quá trình điều tra.
Theo thông tin từ phóng viên Liên Liên, trong thời gian giữa tháng 12 tới có kế hoạch quay trở lại chợ Long Biên để tiếp tục quay phim, điều tra một số thông tin liên quan thì nhận được những tin nhắn đe dọa.
Theo Vnexpress, trước đó ngày 20/9 Đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hoá, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng.
Ngay hôm sau, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc công an thành phố khẩn trương chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm trước phản ánh trên; báo cáo thành phố trước ngày 30/9.
Ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản diễn ra ở chợ Long Biên, theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng ngày, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) ra đình chỉ công việc trong 15 ngày với ông Nguyễn Văn Loan (Phó ban quản lý chợ Long Biên). Ông Loan bị yêu cầu giải trình những vấn đề liên quan nghi vấn có hoạt động "bảo kê" tại chợ.