Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp”.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và như vậy đến năm 2020 mục tiêu cần hướng tới độ bao phủ số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn 7 năm, để đạt được mục tiêu này thì mỗi năm cần mở rộng thêm trên 2,6 triệu người tham gia BHXH mà chủ yếu là phải tập trung mở rộng quy mô số người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, thực trạng triển khai chính sách BHXH tự nguyện sau 8 năm thực hiện cho thấy số người tham gia vẫn còn thấp, tính đến hết 31/12/2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng bình quân năm giai đoạn 2010- 2014 chỉ đạt 39,4%.
Như vậy, mặc dù Luật BHXH quy định “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện”. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu về mở rộng đối tượng như Nghị quyết đã nêu thì Chính phủ cần triển khai và thực hiện sớm chính sách hỗ trợ.
Ảnh minh hoạ
Do việc thực hiện chính sách này phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các Phương án hỗ trợ như sau:
Về đối tượng hỗ trợ: Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động ở khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.
Về thời gian hỗ trợ: Phương án 1: 10 năm đầu tham gia BHXH tự nguyện. Phương án 2: Toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Về mức hỗ trợ: Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ theo tỷ lệ % trên mức đóng tối thiểu, 5 năm đầu là 50%; 5 năm tiếp theo là 30%. Phương án 2: Mức hỗ trợ hằng tháng là 30% mức đóng tối thiểu cho toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Về phương thức hỗ trợ: Người tham gia đóng BHXH tự nguyện phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện tại cấp xã. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bộ Tài chính quy định, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH. Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31/12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó.