Nhiều thách thức với nền kinh tế
Bên lề buổi công bố “Số liệu GDP Lao động và Việc làm quý I/2016” mới đây, do Tổng cục Thống kê tổ chức, các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về hạn hán ở miền Nam gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và nền kinh tế nói chung. Cùng với đó, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 vẫn khó khăn với diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường. Những nguyên nhân trên dự báo kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của cả năm. Điều này được thể hiện ngay trong những con số thống kê về GDP, lao động và việc làm quý I vừa được công bố. Theo đó, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020 đã có một khởi đầu không mấy suôn sẻ, khi tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của cả giai đoạn chỉ đạt 5,46% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng nêu trên thấp hơn mức tăng của quý I/2015, nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy nền kinh tế vừa lấy lại đà tăng trưởng ở quý IV/2015 lại gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, đã làm kinh tế quý I/2016 giảm tới 2,9% tăng trưởng, và giảm 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Nguyên nhân, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do hệ quả của hiện tượng ElNino kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đánh giá về tình hình kinh tế trong quý I/2016, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù trong cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp không phải là ngành sản xuất có đóng góp lớn nhất, nhưng tầm quan trọng của ngành này đối với kinh tế nước ta vẫn vô cùng quan trọng. “Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã nhiều năm là cứu cánh cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn khủng hoảng 1997 - 1999 và 2012 - 2014. Trong tình hình nền nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thiên tai, hạn hán như năm nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển chung của nền kinh tế”, ông Lâm cho hay.
Nhìn tăng trưởng, lo cho người nghèo
Theo nhận định của ông Lâm, chỉ số GDP của quý I/2016 bị tác động lớn bởi chính sách tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. “Cuối năm 2015, chúng tôi cũng đã lường trước vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta không thể không đưa giá dịch vụ theo sát với cơ chế thị trường. Chính phủ đã có những tính toán riêng và sẽ có chính sách hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội trước những tác động của việc tăng giá dịch vụ”, ông Lâm thông tin.
Thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. (Ảnh minhh họa)
Tuy nhiên, như ông Lâm thừa nhận, khi cán cân tăng trưởng có “độ vênh” giữa các ngành, với nông nghiệp đang gặp khó khăn chưa từng có, thì xây dựng và dịch vụ lại tăng trưởng ấn tượng nhất trong mấy năm trở lại đây. Có thể xem đó là một vấn đề cần cảnh báo, bởi lạm phát đã rút tiền từ túi người thu nhập thấp, trong khi tăng trưởng không những không đạt như kỳ vọng lại có thể phân bổ thành quả tập trung nhiều hơn vào đối tượng có thu nhập cao.
Với tình hình kinh tế quý I diễn ra như hiện nay, nhiều người quan ngại tăng trưởng GDP cả năm khó đạt được mục tiêu đã đặt ra là 6,7%. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê thừa nhận, so với GDP năm 2015 là 6,68%, thì con số đặt ra trong năm nay không phải là quá cao, song tình hình diễn biến với nhiều khó khăn, khó đoán định và những yếu tố tác động tới kinh tế quý I có thể kéo dài bất lợi cho cả năm. Để tăng trưởng chung đạt mức 6,7%, cơ quan thống kê tính toán khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng ở mức 2,5%, song chỉ riêng quý vừa qua đã âm, gây áp lực cho các quý còn lại của năm nay.