Sáng 25/12, hơn 30 dân làng cùng thân nhân gia đình thay phiên nhau cáng võng khiêng sản phụ Hồ Thị Lý (ngụ xã Trà Nham, huyện vùng cao Tây Trà) băng rừng vượt qua nhiều điểm sạt lở núi đi cấp cứu. Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tây Trà, cho biết mưa lũ kéo dài gây lở núi nhiều tuyến đường liên xã gây khó khăn đi lại, nhất là chuyển bệnh nhân cấp cứu ở cơ sở lên tuyến huyện, tỉnh cấp cứu.
"Sáng nay, nhiều người dân xã Trà Nham vượt núi, băng rừng suốt hơn 4 giờ dùng võng khiêng chị Lý chuyển dạ kéo dài ra khu vực đèo eo Chim (Tỉnh lộ 622). Ôtô chuyên dụng túc trực chờ sẵn tiếp tục đưa sản phụ vượt đường xa hơn 70 km đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu", bác sĩ Thương nói.
Dân làng xã Trà Nham (huyện Tây Trà) khiêng bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: H.Thăng.
Thống kê sơ bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Tây Trà, mưa lũ kéo dài từ tháng 12 đến nay, người dân ở các xã Trà Nham, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Thọ...chở 15 bệnh nhân (chủ yếu là sản phụ sắp sinh đẻ và người tăng huyết áp) đến bệnh viện cấp cứu.
Họ dùng võng khiêng bệnh nhân đi bộ băng rừng vượt nhiều điểm sạt lở núi khoảng 9 đến 15 cây số từ bản làng đến Tỉnh lộ 622 (Trà Bồng- Trà Phong) để ô tô chở đến bệnh viện cấp cứu.
"Đường sá cách trở, mỗi khi có người chạy đến báo tin khẩn là nhóm y, bác sĩ cấp tốc đi bộ trèo đèo dốc, lội suối suốt nhiều giờ mới về làng cấp cứu cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sản phụ đẻ rớt, chúng tôi phải xử lý sinh con ở dọc đường, trên nương rẫy", vị giám đốc kể.
Liên tục nhiều năm liền, ngành y tế Tây Trà về tận thôn, bản lồng ghép tuyên truyền sức khỏe sinh sản, sinh đẻ nên đến trạm y tế, bệnh viện nhưng thực tế đồng bào nơi đây có thói quen sinh con tại nhà hoặc gần đến ngày đẻ vẫn đi làm rẫy trên núi dễ gặp tình huống nguy hiểm.
Lãnh đạo huyện Tây Trà cho hay, ngành y tế huyện thống nhất với các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng là 0966701313 trên những tấm pa nô đặt ở gần trụ sở Ủy ban xã và các thôn để người dân điện thoại mỗi khi có trường hợp đau ốm, sinh đẻ gặp khó khăn.
"Dân làng thường dùng võng khiêng sản phụ hoặc người đau ốm xuống gần tuyến đường liên huyện để xe chuyên dụng của Bệnh viện kịp chở đi cấp cứu. Đối với trường hợp nhẹ, đội ngũ y, bác sĩ xử lý tại địa phương, những ca sinh khó hoặc bệnh nặng thì chuyển lên tuyến tỉnh cấp cứu", ông Bạn nói.
Liên quan đến sạt lở núi gây tắc đường Trường Sơn Đông, ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho hay ngày 25/12 từ trung tâm huyện Sơn Tây về xã đã tạm thời thông xe.
"Nhiều điểm sạt lở, nứt núi ở các thôn Tà Vây, A Nhua 2 vẫn còn gây mất an toàn cho hàng chục hộ dân. Hàng chục điểm sạt lở núi dọc theo đường Trường Sơn Đông hiểm nguy rình rập người dân lẫn học sinh đi lại làm ăn, học tập", ông Vượt nói.