"10 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và ngày một tinh vi", Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Dương Xuân Sinh về chống buôn lậu, hàng giả mở đầu bản báo cáo về tình hình 10 tháng đầu năm tại cuộc họp báo ngày 11/11.
Theo báo cáo của cơ quan này, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày đang hoành hành ở mọi ngóc ngách, khu vực biên giới đến các cảng biển, sân bay và thậm chí tràn lan ở trong nội địa. Nếu như tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung nổi lên hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm, nội tạng, thịt động vật không đảm bảo chất lượng thì tuyến biên giới Nam miền Trung và Tây Nguyên lại đau đầu vì buôn lậu gỗ, động vật, thực vật hoang dã. Tuyến biên giới Tây Nam là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát.
Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam nổi lên tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu… Tại các cảng biển quốc tế là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng.
Tại các cửa khẩu cảng hàng không, bưu điện quốc tế, Ban chỉ đạo cho biết xuất hiện nhiều hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị, có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao.
Theo cơ quan này, số vụ việc vi phạm trong 10 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cùng kỳ với 169.000 vụ bị bắt giữ, thu nộp ngân sách nhà nước 10.121 tỷ đồng và khởi tố 1.066 vụ án hình sự.
Chia sẻ thêm về đường dây buôn bán xuyên quốc gia động vật hoang dã, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, doanh nghiệp đã lợi dụng cải cách hành chính để buôn lậu, làm giả hồ sơ chứng từ. "Khai là gỗ, là nhựa nhưng bên trong 3 lô hàng lại là 142 kg sừng tê giác, 4 tấn vẩy tê tê, 3,8 tấn ngà voi - các mặt hàng cấm vận chuyển tiêu thụ", ông nói.
Trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng hoành hành, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Một trong những vấn nạn lớn khiến dư luận lo lắng hiện nay là tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hiện nay. Thông tin thêm về thực trạng, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong khi Thái Lan - nước phát triển về nông nghiệp hơn - có chưa đến 50 cơ sở sản xuất phân bón thì Việt Nam có tới 1.000. Nếu tính cơ sở kinh doanh thương mại, Việt Nam có tới 16.000 doanh nghiệp trong khi lực lượng kiểm tra lại rất mỏng. "Một năm mới kiểm tra và xử lý được 3.000 vụ và chỉ xem xét khởi tố được 11 vụ", vị này cho hay.
Lô vũ khí gần 100 khẩu súng được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất gần đây. Ảnh: HQ.
Chia sẻ với báo chí về tiến độ xử lý sai phạm sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong (Đồng Nai), đại diện Ban chỉ đạo 389 cho biết, hiện chưa có đủ cơ sở để xem xét khởi tố hình sự với công ty này. Ông Trần Quốc Dung, Phó trưởng phòng tham mưu chống tội phạm buôn lậu Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an - dẫn thông tin từ Viện kiểm soát Đồng Nai cho thấy chỉ có thể xử lý hành chính với công ty này về kinh doanh trái phép chứ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm xử lý hình sự. Trước những lo ngại của báo chí về việc xử lý Công ty Thuận Phong, ông Nguyễn Văn Cẩn trấn an: "Đây mới là quan điểm của Công an Đồng Nai - đơn vị thụ lý vụ án chứ chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ Công An. Hiện vụ việc này vẫn đang được xem xét". Trước đó, những sai phạm của Công ty Thuận Phong được phát hiện trong chiến dịch triệt phá sản xuất phân bón giả trên địa bàn các tỉnh phía Nam hồi cuối tháng 4.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng dành phần lớn thời gian để nói về nạn phân bón giả. “Những đợt kiểm tra gần đây có phát hiện một nửa loại phân bón không đạt tiêu chuẩn. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn được xử lý êm đẹp rồi nông dân cả xã cả tỉnh lại tiếp tục hứng chịu hậu quả. Có công ty bị kiểm tra chất lượng không đạt nhưng vẫn tiếp tục được vận hành. Sau nhiều đợt chỉ bị kiểm tra chỉ bị phạt vi phạm hành chính”, ông Cương nói.