Hai nhà đầu tư huyền thoại Stan Druckenmiller và David Tepper là những cái tên mới nhất đưa ra lời cảnh báo về đà hồi phục lịch sử của thị trường chứng khoán cho rằng, tỷ lệ lời lỗ (risk reward) khi nắm giữ cổ phiếu đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ lời lỗ là tỷ lệ mà các nhà đầu tư dùng để so sánh lợi nhuận dự kiến của 1 giao dịch với mức rủi ro mà họ chấp nhận khi thực hiện giao dịch đó. Hay nói cách khác, các nhà đầu tư dựa vào tỷ lệ này để biết nếu thắng thì họ được bao nhiêu, nếu thua thì họ mất bao nhiêu.
Hôm qua, Druckenmiller nói rằng đà phục hồi theo hình chữ V – tức ý tưởng nền kinh tế sẽ nhanh chóng bật tăng và phục hồi mạnh mẽ sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống – giờ là quá xa vời đến nỗi đã trở thành 1 điều ảo tưởng. Còn Tepper nói rằng, hiện giá cổ phiếu đang quá cao, ở mức độ chỉ kém bong bóng dotcom 1999.
Trước đó, nhiều nhà quản lý quỹ gồm Bill Miller, Paul Singer và Paul Tudor Jones đều đã lên tiếng hoài nghi về sức khỏe của thị trường hoặc nền kinh tế. Hiện nhà đầu tư đang bắt đầu nghi ngờ những chính sách hỗ trợ của Fed cũng như gói kích thích tài khóa 3.000 tỷ USD của Bộ Tài chính sẽ là không đủ để bù đắp làn sóng thất nghiệp, phá sản và dịch bệnh chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Những quan điểm bi quan này đối lập hoàn toàn với niềm lạc quan đã đẩy chỉ số S&P 500 tăng 26% kể từ đáy hồi tháng 3. Và những lời cảnh báo cũng thu hút sự chú ý của Tổng thống Donald Trump – người đang chạy đua tái tranh cử và phải chứng kiến nền kinh tế đang bùng nổ bị quật ngã bởi virus. Hôm qua trên Twitter, ông Trump đã tấn công vào nhóm mà ông gọi là "những gã nhà giàu".
"Bạn cần phải luôn ghi nhớ rằng có một số người đặt cược chống lại thị trường và kiếm được rất nhiều tiền nếu thị trường giảm điểm".
Nhưng lời chỉ trích của Tổng thống không làm nản lòng những nhà đầu tư lão làng của phố Wall. S&P 500 đã giảm 3,8% trong tuần này và nhiều nhà đầu tư cũng như chuyên gia kinh tế dự báo thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm do nền kinh tế có nhiều dấu hiệu bi quan.
Chủ tịch Fed Jerome Powell (là người do chính ông Trump đề cử) cũng chỉ ra kịch bản bi quan trong bài phát biểu được thực hiện gần với thời điểm ông Trump đăng tweet. Theo Chủ tịch Fed, trong bối cảnh thất nghiệp và phá sản trên diện rộng như hiện nay, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn những thiệt hại dài hạn đối với nền kinh tế.
Tepper đã thay đổi quan điểm so với hồi cuối tháng 3. Lúc đó, ông cho biết đang mua vào cổ phiếu của những công ty công nghệ, y tế và bệnh viện. Hiện đang điều hành quỹ đầu cơ Appaloosa quy mô 13 tỷ USD, ông phát biểu với CNBC rằng giá trị của một số cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq đang quá cao. Nhóm ngân hàng và hàng không hiện quá khó khăn để rót tiền vào.
"Cơ hội mua vào mà tôi chỉ ra hôm 18/3 đã không kéo dài như tôi nghĩ. Sau khi thị trường tăng khoảng 30% so với đáy lập hôm 23/3, tôi nghĩ nên dừng lại, S&P 500 có thể giảm 4-5% so với mức hiện tại", ông nói.
Trong khi đó, Druckenmiller cho biết nghiên cứu của ông cho thấy thanh khoản đã đẩy thị trường tăng điểm trong thời gian qua sẽ nhanh chóng sụt giảm. Nhà đầu tư 66 tuổi cho biết, ông chưa bao giờ chứng kiến tình trạng rủi ro sở hữu cổ phiếu lớn hơn quá nhiều so với lợi ích có thể thu về như hiện nay.
Một nhà đầu tư khác, tỷ phú Leon Cooperman dự đoán, chiến dịch chống lại đại dịch của chính phủ Mỹ sẽ dẫn đến mức thuế cao hơn và nhiều luật lệ hơn. Ông ước tính S&P 500 sẽ giảm xuống chỉ còn 2.200 – 2.800 điểm, tức giảm 22% so với hiện tại.
Đầu tháng 5, Tudor Jones, nhà sáng lập Tudor Investment Corp. chia sẻ với khách hàng, ông đang đầu tư vào vàng và thậm chí đặt cược một chút vào bitcoin. Trong khi đó, Carl Icahn cho biết từ cuối tháng 4, ông không mua cổ phiếu nữa, thay vào đó tăng nắm giữ tiền mặt và bán ra các bất động sản thương mại.
Còn Paul Singer nói rằng, chứng khoán toàn cầu có thể giảm 50% hoặc hơn so với mức đỉnh hồi tháng 2.
Thậm chí Mark Cuban, người nằm trong nhóm được Tổng thống Trump lựa chọn vào ban cố vấn mở cửa nền kinh tế, cũng đồng tình với Druckenmiller về diễn biến của thị trường chứng khoán.