Ảnh: AFP/Getty
Đoàn người biểu tình kéo tới tòa nhà Quốc hội và hô vang khẩu hiệu phản đối kết quả cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ đối với những chính trị gia ủng hộ Brexit và cáo buộc phe này có thể sẽ không thực hiện lời hứa cắt giảm người nhập cư và tăng chi tiêu cho y tế. Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, rất nhiều kế hoạch biểu tình đã được chuẩn bị nhưng đều bị hoãn do số lượng người đăng ký tham gia quá đông gây ra những nguy cơ về an ninh công cộng. Cuộc biểu tình này cũng không nằm ngoài số đó, nhưng đám đông vẫn xuất hiện và thực hiện cuộc biểu tình như dự định.
Cùng ngày 28/6, phát biểu trước các nhà lãnh đạo thuộc EU tại Brussel (Bỉ), Thủ tướng Anh sắp rời nhiệm sở của Anh David Cameron cho rằng liên minh này nên cân nhắc cải cách các quy định liên quan tới tự do đi lại giữa các nước thành viên và coi đây là một trong những điều kiện "căn bản" trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa quốc gia này với toàn khối sau sự kiện Brexit.
Một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Cameron khẳng định Anh và EU nên duy trì quan hệ kinh tế gắn bó nhất có thể và một trong những yếu tố "quan trọng" để thực hiện điều này là cải cách. Theo ông, chính điều luật này là một trong những nguyên nhân khiến đa số người Anh ủng hộ rời "ngôi nhà chung" châu Âu.
Cũng trong bài phát biểu cuối cùng của mình tại Hội nghị thượng đỉnh EU với tư cách lãnh đạo của một quốc gia thành viên, ông Cameron đã phản ánh một số lý do khiến người dân "quốc đảo sương mù" lựa chọn phương án ra đi. Ông cũng thông báo về quyết định từ chức của mình và thời gian dự kiến để nước Anh có người kế nhiệm ông là vào tháng 9 tới. Thủ tướng Cameron cũng từ chối yêu cầu của các lãnh đạo khác về việc chính thức bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi EU và cho rằng đây là nhiệm vụ của Thủ tướng sắp tới của Anh.
Trong khi đó, lãnh đạo Scotland và Gibraltar, hai vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, đã nhất trí về việc ở lại EU. Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo và người đồng cấp Scotland Nicola Sturgeon đã thảo luận và thống nhất quan điểm về việc giữ hai vùng lãnh thổ này ở lại EU sau Brexit. Hai bên sẽ cử các nhóm chuyên gia làm việc chung để cùng đánh giá tình hình và tìm ra phương hướng hành động.
Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6, đa số người dân ở hai khu vực này đều ủng hộ giữ Anh ở lại EU, trong đó, có tới 96% người dân Gibraltar lựa chọn phương án "ở lại" EU. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý trên toàn Vương quốc Anh thì tỉ lệ người dân ủng hộ Brexit lại chiến thắng với tỉ lệ 51,9% ủng hộ.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử với phần thắng nghiêng về Brexit đã đẩy Vương quốc Anh vào tình trạng bất ổn cả về kinh tế và chính trị. Các sàn chứng khoán chao đảo. Tăng trưởng kinh tế dài hạn bị đe dọa khi có tới hơn 1/3 số người dân Anh được thăm dò quyết định sẽ thắt chặt chi tiêu sau khi Anh lựa chọn rời EU và 60% người dân được hỏi tỏ ra bi quan về viễn cảnh kinh tế nước này.
Tuy nhiên, các thị trường tài chính đã có dấu hiệu bình ổn trở lại trong ngày 28/6. Tại thị trường New York (Mỹ), các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đồng loạt tăng giá, sau 2 ngày mất điểm khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu "bốc hơi" tới 3.000 tỷ USD. Tại thị trường London (Anh) và Paris (Pháp), các chỉ số FTSE và CAC 40 đều tăng 2,6%, trong khi tại Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 tăng 1,9%. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 2,6% sau khi giảm gần 11% trong hai phiên giao dịch trước đó. Đồng bảng Anh cũng tăng 0,6% lên tới 1,3324 bảng đổi một USD.
Theo Huyền Anh (Chinhphu.vn)