Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hàng nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng

Tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện được gần 1.400 ca ghép tạng. Đây là thành tựu rất đáng tự hào của ngành y tế, nhưng con số đó vẫn còn quá nhỏ so với việc hàng trăm nghìn người hiện đang chờ được ghép mô, tạng.

 

Ca ghép đa tạng (tim, gan, 2 quả thận) cứu sống 4 bệnh nhân từ một người cho chết não đêm 27/7 tại Bệnh viện Quân Y 103. Ảnh: Báo SK&ĐS.


Trong những năm qua, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng trong khám chữa bệnh, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo, đồng thời mang lại uy tín cho ngành y tế Việt Nam, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước có 16 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, có trang thiết bị hiện đại, trình độ đã từng bước tiếp cận được với quốc tế.

Kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công tại Viện Quân y 103 vào năm 1992, tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối thận-tụy và 1 ca ghép khối tim-phổi. Chúng ta cũng đã thực hiện được các ca ghép đa tạng và vận chuyển tạng đi xa hàng nghìn cây số để cấy ghép.

Hàng nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng

Tại chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”, do Bộ Y tế tổ chức tối 16/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho hay, mặc dù chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng tự hào, nhưng tổng số ca ghép tạng đã thực hiện trong thời gian qua là quá ít so với tiềm năng hiện có, vì trình độ ghép tạng của đội ngũ bác sĩ Việt Nam được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế.  

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép vì nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mạn tính đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi.

Trong khi nhu cầu ghép tạng rất lớn, nhiều bệnh nhân đã chết trong thời gian chờ ghép… thì nhiều mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người dân về hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng; việc chưa xây dựng được mạng lưới điều phối mô, tạng quốc gia; chưa có mạng lưới truyền thông, vận động về hiến tặng mô, tạng rộng khắp cả nước… cũng là những thách thức đối với ngành y tế.

Vì vậy, để từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, Bộ Y tế cho rằng, truyền thông cần phải đi trước để mở đường cho công tác hiến, tặng mô, tạng, qua đó làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người dân, tiến tới chủ động tham gia hiến, tặng mô, tạng trong toàn xã hội.

 

Chương trình truyền hình “Khi sự sống được sẻ chia” là sự kiện thường niên do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) tổ chức.

Chương trình là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình khi còn sống và đại diện những gia đình có người thân đã hiến tạng sau khi chết, chết não để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.

Đồng thời kêu gọi sự chung tay góp sức, sẻ chia sự sống của cộng đồng xã hội, giúp đỡ những bệnh nhân suy tạng trong cả nước; góp phần truyền tải sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn, giá trị khoa học và đạo đức của hoạt động này.