Khu dân cư Cả Nổ ở xã Vĩnh Lợi, 1 trong 28 cụm nhà vượt lũ của huyện Tân Hưng (vùng trũng của Đồng Tháp Mười) được xây dựng năm 2002. Những căn nhà rộng vài chục đến hàng trăm mét vuông, giá ưu đãi nhà và nền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng có mục đích ổn định đời sống dân vùng lũ. Nhưng sau 10 năm xây dựng, nơi này đang hoang vắng.
Dãy nhà vượt lũ bỏ hoang ở huyện Tân Hưng, Long An. Ảnh: Hoàng Nam.
Trên 100 nhà cấp bốn được xây tường kiên cố chạy dọc suốt gần hai km của tuyến dân cư thì có đến gần 60 căn trong tình trạng bỏ hoang. Bên ngoài cỏ dại, dây leo mọc um tùm. Tường nhà rêu phủ kín, nứt nẻ, đổ sập. Nhiều căn cửa đóng im ỉm đã nhiều năm làm chỗ cho chuột, gián trú ngụ. Một số căn xuống cấp không còn cửa, mái, chỉ còn trơ khung nhà, bên trong cỏ mọc cao quá đầu.
Cách đó vài km, tuyến dân cư Cà Dăm, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng) hơn 20 căn nhà vượt lũ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một số người sống bằng nghề chài lưới ven sông đã tận dụng những căn nhà bỏ hoang này làm chỗ trú tạm. Số căn còn lại được làm nơi chứa rơm, vật liệu xây dựng, phân bò hoặc nông, ngư cụ. Có người còn dùng làm nơi chăn nuôi gà vịt hoặc chuồng cho trâu, bò.
Bà Nguyễn Thị Nô, một trong số ít người dân còn bám trụ ở xóm "nhà ma" cho biết, chủ những căn nhà hoang chỉ ở tại khu này một thời gian ngắn, thậm chí có người ở vài tháng rồi lũ lượt kéo nhau đi. Thỉnh thoảng lễ, Tết có vài người về thăm, sửa sang lại nhà. Còn lại đa số đã bỏ hẳn, những căn nhà vì thế vắng chủ đã hơn chục năm nay.
Có thâm niên hàng chục năm lợp cá ở vùng Đồng Tháp Mười, nhưng từ khi chuyển đến nhà vượt lũ ông Trần Văn Thìn phải bỏ nghề. Lão nông cho rằng, nếu không có lũ thì ở trên cụm sẽ bất tiện hơn rất nhiều nên một số hộ đã bỏ nhà về lại nơi cũ. "Khi còn ở nhà sát bờ sông, nông dân nhờ nắm rau, mớ ốc, chăn nuôi heo gà vịt cải thiện đời sống. Còn bây giờ, lên đây đất đai chật chội chỉ đủ để cất nhà, không có khoảng vườn trồng trọt, lại cấm chăn nuôi, đến nỗi hành, ớt cũng phải đi mua thì làm sao sống được", ông Thìn nói.
Lý giải nguyên nhân dân vùng lũ phải rời bỏ quê, ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho rằng, lúc trước nhà dân ở đây bị ngập lụt nên mới dọn vô ở trên tuyến dân cư. Nhưng hơn 10 năm nay, lũ về ít, tôm cá dần cạn kiệt. Dân vùng này đa số đều làm nghề chài lưới, phụ thuộc rất lớn vào con lũ đành phải thất nghiệp.
Ông Hiền cho biết, địa phương không có nhà máy xí nghiệp nên những người dân chỉ còn cách rời bỏ nhà cửa đổ về Tiền Giang, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh để tìm việc. Phần lớn những người còn ở lại trên những tuyến dân cư này đều già yếu mất khả năng lao động hoặc trẻ em.
"Các hộ sống ở đây đều thuộc diện hộ nghèo, không có ruộng đất để canh tác. Việc đồng áng hiện tại đã có máy móc làm hết nên chủ đất cũng không có nhu cầu thuê nhân công. Những người còn bám trụ sống bằng cách đi bán vé số hoặc cắt lục bình đan giỏ bán kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày", ông Hiền nói.
Bỏ hoang nhiều năm nên các căn nhà xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Hoàng Nam.
Theo lãnh đạo huyện Tân Hưng, thời gian qua các địa phương vùng lũ ở Long An đã có nhiều cố gắng tạo việc làm cho người dân bằng cách phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề dạy may, đan lát, sửa máy, điện tử... Tuy nhiên, do nằm ở xa trung tâm tỉnh, vận chuyển bất tiện nên sản phẩm làm ra được một thời gian lại không có nguồn tiêu thụ, người dân vẫn quay lại với cảnh thất nghiệp dai dẳng.
"UBND huyện đang tiếp tục quy đất sạch, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xí nghiệp, nhà máy để tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Hy vọng dân sẽ quay về địa phương thời gian tới", ông Hiền chia sẻ.
Không chỉ riêng huyện Tân Hưng, tại cụm dân cư xã Tân Thành, một trong 15 cụm tuyến vượt lũ của huyện Mộc Hóa, cũng có hơn 20 căn nhà vắng chủ, nhếch nhác. Chính quyền cho biết đã kiến nghị với tỉnh và được chấp thuận chuyển đổi 4 cụm tuyến không có dân ở để phục vụ mục đích khác.
"Huyện đã chỉ đạo các xã kiểm kê lại số lượng nhà bỏ hoang. Nếu các hộ không có nhu cầu ở nữa thì chúng tôi sẽ đề nghị họ làm cam kết trả lại để nhường cho các hộ có nhu cầu", ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Mộc Hóa), nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Anh Phương, Trưởng phòng Nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, chương trình cụm dân cư vượt lũ giai đoạn 2002 đến nay có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng.
Có hơn 165 cụm dân cư phân bố ở 10 huyện, chủ yếu là vùng lũ. Qua hơn 10 năm triển khai, chỉ khoảng 50% số hộ dân được hỗ trợ nhà vào ở. Mỗi hộ nằm trong chương trình sẽ được cấp nền, nhà và ưu đãi cho trả chậm tiền nợ trong thời gian 10 năm.
Hiện có 250 hộ được cấp nền, nhà sang nhượng nhà trái phép bằng giấy tay và gần 300 hộ bỏ nhà đi làm ăn xa không liên lạc được, trong khi họ còn nợ tiền vay từ chương trình trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, do không muốn ở tại cụm vượt lũ nữa nên gần 150 người dân đã làm đơn xin trả lại nhà.
"Sở đang tiếp tục kiểm tra hiện trạng sử dụng của người dân, rồi kiến nghị cấp trên, có thể sẽ thu hồi dứt điểm nợ đối với các nền nhà chưa trả xong, sau đó sẽ xem xét cấp nhà mà dân không có nhu cầu cho hộ khác", bà Phương cho biết.
Người dân vùng lũ sống với nghề đan lát nhưng cũng không bán được. Ảnh:Hoàng Nam.
Chương trình cụm tuyến dân cư vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 từ năm 2001 đến năm 2008 với tổng số vốn gần 5.800 tỷ được triển khai tại Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ. Có 804 cụm tuyến dân cư được xây dựng, hỗ trợ 146.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Năm 2008, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của chương trình gồm 179 dự án cụm tuyến với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Tổng kết chương trình năm 2015, Thủ tướng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020 với 8.400 hộ dân thuộc chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168 tỷ đồng. Chính phủ cũng đồng ý cho kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm cho gần 26.000 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo (chưa trả trên 220 tỷ đồng). Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh hiệu quả mang lại, việc thực hiện chương trình còn hạn chế như tiến độ chậm, số hộ dân vào ở trong cụm dân cư chưa đạt kế hoạch đề ra; tính bền vững chưa cao, chưa tạo sinh kế ổn định cho người dân... |