Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hàng trăm trường hợp đã được vay vốn theo Quyết định 29

Theo báo cáo của 15 tỉnh, thành phố thí điểm Quyết định 29/QĐ-TTg, tính đến tháng 12/2016, sau 6 tháng thực hiện đã giải ngân được 6,1 tỷ đồng cho hơn 200 trường hợp với 46 cá nhân và 187 hộ gia đình. Trong đó, người, hộ gia đình được vay vốn chủ yếu là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV.

 

Ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 882/TTg- KGVX về giải quyết nguồn vốn vay và kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ- TTg đến hết ngày 31/12/2017. Theo đó, 15 tỉnh, thành phố đang được thực hiện thí điểm gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắc Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu.
Hơn 200 trường hợp với 46 cá nhân và 187 hộ gia đình được vay vốn
Ở địa phương, Sở LĐ-TB&XH 15 tỉnh, thành phố đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn hướng dẫn cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận, huyện, Phòng LĐ-TB&XH và UBND phường, xã, thị trấn về trình tự thủ tục vay vốn cho 4 nhóm đối tượng. Thông qua đài truyền thanh xã, phường tuyên truyền về chế độ chính sách, quy định vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Theo báo cáo của 15 tỉnh, thành phố thí điểm, tính đến tháng 12/2016, sau 6 tháng thực hiện đã giải ngân được 6,1 tỷ đồng cho hơn 200 trường hợp với 46 cá nhân và 187 hộ gia đình. Trong đó, người, hộ gia đình được vay vốn chủ yếu là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV. Số ít người bán dâm hoàn lương (5 cá nhân) và hộ gia đình có thành viên là người bán dâm hoàn lương vay vốn (3 hộ gia đình). Số vốn được vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, bán cơm, chạy xe ôm, cắt tóc gội đầu, học nghề. 
Hiện còn hơn 100 trường hợp đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ vay vốn. Một số tỉnh triển khai tốt công tác này như: Hòa Bình đã giải ngân 370 triệu đồng cho 14 hộ gia đình; Điện Biên đã có 17 hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền 500 triệu; Hải Phòng giải ngân 1,4 tỷ đồng cho 19 cá nhân và 36 hộ gia đình; Bạc Liêu có 17 cá nhân, 23 hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền 796 triệu đồng. 
Tuy nhiên trong quá trình vay vốn cho 4 nhóm đối tượng, cũng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Một số đối tượng đã được vay từ nguồn khác của Ngân hàng Chính sách xã hội nên không được vay theo Quyết định 29/2014/QĐ- TTg. 

Bản thân đối tượng còn nhiều mặc cảm, tự ti không tự khai báo, đặc biệt là đối tượng người bán dâm hoàn lương và người nhiễm HIV; hộ gia đình, đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đưa ra được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và trả nợ theo cam kết nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay; cán bộ cơ sở chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn; chưa có kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền tại xã, phường nên số người hiểu và tiếp cận với chính sách hỗ trợ này còn hạn chế; quy định hồ sơ vay vốn phải thông qua Tổ Tiết kiệm vay vốn là chưa phù hợp, tạo ra mặc cảm, đặc biệt là người bán dâm hoàn lương, họ khó tiếp cận nguồn vốn. 
Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho những người vay vốn, cần tăng cường tuyên truyền Quyết định 29/QĐ-TTg đến đối tượng và cộng đồng để giảm bớt kỳ thị với các đối tượng; tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cán bộ xã, phường, các điểm tư vấn, đội tình nguyện, nhóm tự lực, câu lạc bộ về trình tự thủ tục vay vốn cho 4 nhóm đối tượng; cần có chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa có nghề hoặc chưa được đào tạo nghề.