Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 26%/tháng, trong đó người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%.
Kể từ 1/1/2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị đều thuộc đối tượng đồng thời giam gia BHXH với mức đóng 26%. Ngoài ra, người lao động cũng phải tham gia bắt buộc bảo hiểm y tế (mức đóng 4,5%, trong đó người lao động đóng 3%, doanh nghiệp đóng 1,5%) và bảo hiểm thất nghiệp 2% (người lao động và doanh nghiệp mỗi bên đóng 1%).
Mức tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, đối với lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương có Nhà nước quy định thì căn cứ đóng BHXH là hệ số lương tháng theo ngạch, bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Mức tiền lương tháng thấp nhất để đóng BHXH là mức lương tối thiểu và mức tiền lương tối đa để đóng BHXH là 20 lần mức lương tối thiểu.
Đối với người lao động hưởng tiền lương theo quy định là người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng BHXH là tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương thấp nhất để tính mức đóng BHXH là mức lương tối thiểu vùng, mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH là 20 lần mức lương tối thiểu.
Lương đóng bảo hiểm là do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động và không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định vùng từ ngày 1/1/2015.
Liên quan đến vấn đề đóng BHXH, trước đó, tại hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật BHXH”, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra những con số đáng báo dộng về tình trạng lao động không được đóng BHXH và nợ BHXH.
Bà Mai cho biết, hiện số lao động được đóng BHXH rất thấp, tính đến hết 31/12/2014, số người tham gia BHXH trên cả nước đạt 11,6 triệu người, chiếm gần 20% tổng số lao động (khoảng 58 triệu người - số liệu của Cục dân số Bộ LĐTB&XH năm 2014).
Trong đó, có khoảng 9 triệu người tham gia BHXH diện bắt buộc (chiếm khoảng 70% số người) và khoảng hơn 196.000 người tham gia BH tự nguyện.
Như vậy, đồng nghĩa với việc trong tương lai, hàng triệu người lao động Việt Nam sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu không có lương.
Bên cạnh số lao động không được đóng BHXH chiếm số đông và tăng cao thì số lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp bị nợ BHXH có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu mà đại diện BHXH công bố, chỉ riêng năm 2014, các doanh nghiệp trên cả nước đã nợ hơn 7.200 tỷ đồng tiền BHXH. Tổng lũy kế tính đến hết ngày 30/11/2014, các doanh nghiệp đã nợ 11.114 tỷ đồng tiền đóng BHXH.
Thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước, từ 10 - 20 năm nữa, sẽ có hàng triệu người trong độ tuổi lao động nghỉ hưu, dân số Việt Nam sẽ già hóa nhanh chóng từ năm 2035 trở đi và áp lực đè nặng lên xã hội khi những người già không có lương hưu và các chế độ khác.
Bà Mai cho rằng, cần sửa đổi chính sách, trong đó tiếp tục mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách tham gia với việc Nhà nước hỗ trợ 14%. Hai là mở rộng đối tượng phi chính thức, thông qua việc hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Tổng giám đốc BHXH VN Đỗ Văn Sinh kiến nghị bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.