39% số người thất nghiệp có trình độ đại học
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đưa ra vấn đề, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu lao động nhưng tại sao học sinh, sinh viên ra trường lại thất nghiệp? Ông Tiến cho rằng, khó khăn chính của lao động Việt Nam hiện nay không phải thiếu cầu lao động mà là thiếu hụt kỹ năng. Tỉ lệ thiếu hụt kỹ năng so với mong đợi của doanh nghiệp lên tới 37,04%, trong ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế; 21,64% về trình độ ngoại ngữ; 20,53% về khả năng tư duy logic. Theo TS Nolwen Henaff, chuyên gia kinh tế giáo dục (IRD), học vấn càng cao, tỉ lệ thất nghiệp càng lớn do sự mất cân đối của đào tạo và nhu cầu của thị trường, cụ thể có tới 39% số người thất nghiệp có trình độ đại học. Các trường cứ đào tạo nhưng không biết nhu cầu của thị trường lao động như thế nào, vì thế mà sinh viên tốt nghiệp đại học khó tìm được việc làm.
Sinh viên ra trường tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm TP Huế. Ảnh: MẠNH DŨNG
TS Nolwen Henaff cho hay: “Trên thực tế, chưa thấy có nghiên cứu cập nhật. Nhưng khi làm việc trong lĩnh vực này tôi thấy rằng, một trong những chiến lược mà sinh viên sử dụng để có thể có khả năng tìm được việc làm tốt hơn, đó là thay vì học một trường có thể học hai, ba trường. Ví dụ một em sinh viên học kinh tế sau đó có thể học thêm ngoại ngữ để sau khi ra trường, nếu không tìm được việc làm trong lĩnh vực kinh tế thì có thể tìm việc làm trong nhiều lĩnh vực khác. Đó là một trong những chiến lược của sinh viên để có khả năng tìm việc cao hơn, nhưng là cảm nhận của họ chứ không phải cảm nhận của thị trường lao động”.
Về đào tạo lao động và việc làm hiện nay, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, vấn đề đào tạo rất quan trọng, sản phẩm của giáo dục đào tạo thì nó phải được kiểm chứng qua thị trường lao động. Theo bản công bố trong quí 2 vừa qua cho thấy vấn đề hướng nghiệp đối với thông tin thị trường hiện rất báo động. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 21%, trong đó trên đại học mới có 8%. Cơ cấu về lao động qua đào tạo gồm: 45% từ ĐH trở lên, cao đẳng 15%, trung cấp 27% và sơ cấp 17%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Theo dự báo của chúng tôi thì đến năm 2020 phải đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay lên khoảng 30%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trình độ dưới ĐH trở xuống phải là 2/3. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn thấy phân luồng của học sinh vào đại học và khi ra trường thì chúng ta sẽ thấy sự bất cập giữa hai mô hình này. Vừa qua hệ giáo dục đào tạo hơn 800 nghìn học sinh phổ thông thì 3/4 phân vào các trường ĐH. Với trình độ đào tạo như vậy đến 2020 có 70% trình độ ĐH trở lên và mô hình này hoàn toàn là mô hình của nền kinh tế trí thức. Đây là điều đáng mừng nếu như Việt Nam thực hiện được, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Kiểm chứng qua thị trường lao động Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những người có bằng đại học ĐH trở lên có xu hướng gia tăng. Cung đào tạo ĐH trở lên đang vượt quá nhu cầu, trong khi đó cung đào tạo ĐH trở xuống đang thiếu so với nhu cầu. Trong khi hệ thống dạy nghề hiện nay không hề có học sinh, các em vào các trường để lấy chỗ nương chân, sau đó các em lại chuyển tiếp vào ĐH và hệ thống dạy nghề hiện nay hầu như cạn kiệt, phải đi vét học sinh”.
Giờ thực hành của sinh viên ngành dược. (Nguồn ảnh internet).
Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần phải xích lại gần nhau
Về các giải pháp để học sinh, sinh viên ra trường có được việc làm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, doanh nghiệp và nhà trường phải liên kết mới giúp học sinh ra trường được tuyển dụng ngay và doanh nghiệp không phải mất công đào tạo lại.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, để các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn thì chúng ta cần thay đổi chương trình, cách đào tạo để chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, họ thấy có lợi thì sẽ tham gia, đó là quan hệ cung – cầu, trước hết là về chất lượng. Muốn có chất lượng thì phải thay đổi, phải đáp ứng chuẩn đầu ra, không phải do các thầy đào tạo, các trường xây dựng ra mà phải căn cứ vào nhu cầu của họ trong thị trường lao động. Họ cần người lao động có năng lực gì thì mình phải dựa vào đó để xây dựng chuẩn đầu ra thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, thị trường lao động luôn biến động. Vì vậy cần thường xuyên sửa đổi, điều chỉnh trong kế hoạch đào tạo để thích ứng với nhu cầu biến động của thị trường. Đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách, nhưng nếu chúng ta đầu tư khôn ngoan sẽ đem lại hiệu quả, ngược lại sẽ bị lỗ, gây hại cho kinh tế xã hội. Dường như chúng ta vẫn đào tạo ra sản phẩm dở dang, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Sau hội thảo này, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT nên ngồi lại với nhau tìm ra được một bước đi đúng đắn hơn trong việc đào tạo nhân lực để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải có mối liên kết với cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng, cũng như tư vấn, định hướng nghề giúp người lao động sau khi đào tạo có được việc làm.