Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hàng Việt được giả danh, vui hay buồn?

 
Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, tại buổi họp báo chiều 23/6.
 
Từ Khaisilk đến Asanzo
 
Vào cuối năm 2017, dư luận xôn xao việc Cục Quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khaisilk có hiện tượng giả mạo xuất xứ. Cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khaisilk tức là hàng Việt Nam, được gắn mác “Made in Việt Nam”. Nhiều người choáng váng vì một thương hiệu nổi tiếng, thậm chí ít nhiều là niềm tự hào của ngành tơ lụa Việt Nam nhưng hóa ra đây là một vụ lừa đảo tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
 
Vụ việc ồn ào lên một dạo, rồi dần dần lắng xuống và sắp đi vào quên lãng thì người ta lại phát hiện một vụ hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, được gắn mác “Made in Vietnam” với hàng điện tử và đồ điện gia dụng. Quy mô của vụ này rất lớn, từ lẩu điện, ấm đun nước, nồi cơm điện... nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ Việt Nam, đến việc nhập linh kiện tivi nước ngoài, lắp ráp đơn giản nhưng ghi xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
 
Như vậy là đã có hai vụ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam ghi xuất xứ “Made in Vietnam” bị phát hiện chính thức, các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vụ Asanzo nghiêm trọng đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ và xử lý thỏa đáng.
 
Tại sao người ta lại giả danh hàng Việt Nam?
 
Công bằng mà nói, chưa có nhiều hàng hóa của Việt Nam có uy tín về chất lượng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Việt Nam đang cố gắng làm điều này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, danh tiếng cho mình. Có thể nói, một số mặt hàng của Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Như vậy, người ta bán hàng Trung Quốc giả danh hàng Việt Nam nhằm một số mục đích sau đây: 1. Lợi dụng tình cảm ưa chuộng hàng Việt Nam của người tiêu dùng để bán được nhiều hàng; 2. Việc gắn mác “Made in Vietnam” còn nhằm mục đích trốn thuế; 3. Về lâu dài, đây là một cách “dìm hàng”, làm mất uy tín hàng Việt Nam, làm ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt Nam.
 
Việc một số mặt hàng Việt Nam được lợi dụng để hàng Trung Quốc “núp bóng” cũng khiến chúng ta có một chút niềm tự hào vì “hàng phải có chất lượng như thế nào” thì người ta mới núp bóng. Song, hành vi gắn mác “Made in Việt Nam” cho hàng Trung Quốc rõ ràng mang tính dối trá, lừa đảo. Không ai có thể vui vẻ trong các hàng động lừa đảo, dối trá.
 
Tác hại của việc gắn mác “Made in Việt Nam” cho hàng Trung Quốc là rất lớn. Đây không chỉ là lừa đảo hay gian lận thương mại đơn thuần, mà còn là hành vi phá hoại. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm để làm gương cho những người khác, doanh nghiệp khác                                                                

Đàm Trọng/TC GĐ&TE