Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hành lang đê sông Hồng: Đang bị đe dọa nghiêm trọng

Nhiều năm nay, hoạt động kinh doanh bến bãi tập kết cát, sỏi diễn ra tràn lan tại tuyến đê tả sông Hồng (đê cấp 1) ở địa bàn xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), khiến cả một tuyến đê dài bị đe dọa. Cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt, song do vào cuộc không quyết liệt và chế tài chưa đủ mạnh, nên các đối tượng kinh doanh cát, sỏi vẫn hoạt động ngày càng cấp tập hơn, thậm chí bất chấp dư luận và pháp luật.

“Thoi thóp” bờ đê

Có chiều dài chỉ hơn 2km, nhưng tuyến đê tả sông Hồng trên địa bàn xã Cao Đại là địa điểm xung yếu bảo vệ cả vùng dân cư rộng lớn khỏi nạn lũ lụt. Vậy nhưng, hiện trên tuyến đê này tồn tại hàng chục bãi tập kết vật liệu cát, sỏi, xâm phạm hành lang đê điều.

Theo phản ánh của người dân, những năm gần đây, tuyến đê ở Cao Đại bị “quần nát”, bởi các bến bãi tập kết cát, sỏi. Chúng tôi quan sát, chỉ trên đoạn đê dài khoảng 1km từ UBND xã đến sát quốc lộ 2 đã có tới hàng chục trường hợp xâm hại nghiêm trọng hệ thống đê điều. Cả một đoạn đê dài vốn là hành lang thoát lũ đã biến thành hàng chục bãi chứa cát, sỏi, vật liệu xây dựng khổng lồ, cao hơn mặt đê hàng chục mét, thậm chí ăn sát vào chân đê. Hầu hết xe tải chở cát, sỏi đều cao ngất ngưởng, làm rơi vãi đất, cát xuống đường đê. Ngày nắng, mỗi khi ô tô đi qua để lại vệt bụi lớn, ngày mưa thì mặt đê bùn đất nhão nhoét. Người dân lo ngại, nếu xảy ra vỡ đê trong mùa lũ lụt thì làng quê sẽ chìm trong biển nước.

Hành lang đê điều bị đe dọa nghiêm trọng bởi những bãi tập kết cát sỏi.

Tại nhiều bãi tập kết cát, sỏi, chủ bãi còn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, kho bãi bằng bê tông kiên cố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát lũ và sự an nguy của hệ thống đê tả sông Hồng. Điển hình, Cty TNHH Phú Thịnh lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, bóc dỡ mái kè ở bờ sông để đóng mố cho máy đứng cẩu hàng, phá bê tông mái kè để luồn ống nước, xây bịt kín hai đầu hành lang bảo vệ kè, cũng như hành lang bảo vệ đê làm của riêng; Cty TNHH Hà Anh cũng  đóng cọc thép và quây tời làm mố cẩu cát, làm hàng rào chắn ngang hành lang kè, đổ cát và bê tông vỡ lấn mái kè, làm mố và tập kết cát, sỏi trên hàng lang bảo vệ kè; Cty TNHH Vĩnh Lạc có hành vi xây nhà, tường trên hành lang bảo vệ đê, chất quá trọng tải trong hành lang bảo vệ đê, làm cơ kè trên mái kè...

Tại mỗi bến bãi như một đại công trường với các máy xúc cát, máy gạt, băng chuyền và công nhân tấp nập vận chuyển cát từ các tàu hút cát dưới lòng sông lên bến và từ bến lên xe tải. Mỗi ngày có hàng trăm xe tải vào bến bãi “ăn” cát, sỏi và vận chuyển đi tiêu thụ khiến mặt đê nhiều đoạn bị băm nham nhở. Nhiều đoạn mặt đê bị nứt vỡ, sụt lún khiến đường đê xuống cấp, bụi lúc nào cũng mù mịt, làm cho phương tiện giao thông và người dân qua lại tuyến đê rất khó khăn.

Chế tài chưa đủ mạnh? 

Việc xây dựng bến bãi tập kết cát, sỏi, vi phạm hành lang đê điều diễn ra trong thời gian dài, giữa ban ngày và chỉ cách trụ sở UBND xã Cao Đại khoảng vài chục mét. Điều khiến người dân khó hiểu là lẽ ra cần có biện pháp ngăn chặn để bảo vệ đê điều, nhưng UBND xã Cao Đại lại “hào phóng” cho các doanh nghiệp thuê đất làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trên hành lang bảo vệ đê tả sông Hồng với thời hạn 10 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Phòng Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai - Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Xã Cao Đại là địa bàn nhức nhối về tình trạng xâm hại đê tả sông Hồng. Chi cục Đê điều năm nào cũng lập biên bản vi phạm, liên tục kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý, nhưng đơn vị này chỉ vào cuộc ở mức độ nhất định chứ không kiên quyết. Nếu xảy ra vỡ đê tả sông Hồng ở xã Cao Đại thì sẽ ảnh hưởng cả vùng rộng lớn”. Nói về trách nhiệm quản lý, ông Hợi thừa nhận: “Nếu bảo làm hết trách nhiệm chưa thì chúng tôi thừa nhận là chưa, nhưng chúng tôi đã hết sức cố gắng...”.

Cùng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Sinh, Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Đơn vị này thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có nhiều biên bản xử phạt hành chính, cái khó là chức năng của Chi cục chỉ là phát hiện, ngăn chặn và đề xuất xử lý. Chi cục Đê điều chỉ quản lý nhà nước về hệ thống đê điều, còn chính quyền mới có thẩm quyền xử lý. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều nhưng chính quyền địa phương không vào cuộc giải quyết triệt để. Mặt khác, nhiều khi có sự tế nhị trong quan hệ nên rất khó xử lý...”.

Qua thực tế đó cho thấy, việc cơ quan chuyên trách quản lý đê cứ miệt mài lập biên bản, kiến nghị còn các cấp chính quyền thì thờ ơ, không kiên quyết xử lý. Còn doanh nghiệp thì ngày càng bất chấp pháp luật, thu lợi bất chính và vi phạm nghiêm trọng hơn khiến cho đê điều bị xâm hại nặng hơn.