Nhọc nhằn mưu sinh
Ông Lương Trọng Lượng (SN 1956, ở làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) là người dân tộc Thái, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Lớn lên, ông kết duyên với người con gái đẹp mặn mà, ngoan hiền là bà Hà Thị Dung (SN 1956, người dân tộc Thái).
Sau khi 3 người con là Lương Thanh Hưng (SN 1976), Lương Thanh Hiền (SN 1979) và Lương Thị Nga (SN 1982) lần lượt ra đời, cuộc sống của gia đình ông Lượng trở nên khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Biết không thể làm kinh tế ở quê nên năm 1987 vợ chồng ông tay ẵm tay bồng 3 đứa con thơ đi xứ khác lập nghiệp.
Hai năm đầu tiên trên bước đường tha phương, gia đình ông Lượng dừng chân ở tỉnh Gia Lai, song miếng ăn cái mặc càng túng thiếu hơn, nhất là không chịu nổi những cơn sốt rét rừng.
Ông Lượng cho biết: “Những năm đó đất nước mình còn nghèo lắm, người dân bản địa đã nghèo, huống chi người từ xứ khác tới lập nghiệp như chúng tôi. Hồi đó, tôi đi làm thuê làm mướn đủ thứ nghề, ai thuê gì tôi cũng làm, miễn sao có được tiền, kiếm miếng ăn cho con cái là được.
Có lần, vì làm quá sức cộng với sốt rét, tôi cứ tưởng mình không qua khỏi nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua. Không thể sinh sống được cái với nghề làm thuê làm mướn suốt đời nên 2 năm sau cả gia đình tôi lại về xuôi”.
Chính ông Lượng cũng không dám mơ rằng, điểm dừng chân may rủi tại làng Hà Lũy trên vùng đất mới Bình Định lại là quê hương thứ hai, bến đỗ yên bình, no ấm của gia đình. Dù vậy, mỗi khi nhớ về những năm đầu lập nghiệp ở đây, ông Lượng vẫn còn cảm giác hãi hùng.
“Khi mới về đây, lạ nước lạ cái nên tôi vợ chồng con cái tôi chẳng biết gì hết. Vậy mà tôi theo đàn ông ở đây lên tận xã Canh Liên (cách xã Canh Thuận 50 km, muốn lên đến nơi phải vượt qua 5 ngọn núi cao, xã Canh Liên được xem là cổng trời của Bình Định) làm thuê cày cuốc cho người ta hàng tháng trời mới về.
Nhưng hồi đó người ta làm gì có tiền mà trả công cho mình, họ trả bằng con trâu, con bò, mình phải dắt về xuôi mà bán lấy tiền. Nhiều lúc tôi đi làm, vợ con ở nhà đau bệnh, thiếu thốn cũng tự bảo bọc nhau mà sống. May cũng có bà con láng giềng ở đây giúp đỡ lúc khó khăn đói nghèo”, ông Lượng tâm sự.
Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên trôi dạt đến làng mới, bà Dung xúc động: “Gia đình chúng tôi luôn mang ơn bà con bản địa. Bà con người Ba Na, đông nhất là bà con Chăm H’Roi ở làng thật quá tốt bụng, hào hiệp, rộng mở ngay cả với người dưng xa lạ từ xứ khác đến.
Thời gian đầu, họ chia sẻ cái ăn cái mặc, sau họ giúp dựng nhà, chỉ đất đai, nương rẫy cho trồng trọt... Quý cái tình của bà con và cũng để cho hòa đồng, hiểu nhau, gia đình tôi nỗ lực học ngôn ngữ mới, chỉ khoảng nửa năm sau, con cái chúng tôi đã có thể nói chuyện dễ dàng với bà con trong làng bằng tiếng Ba Na và tiếng Chăm H’Roi bản địa”.
Nhập gia tùy tục nên mỗi khi gia đình có giỗ, hai cô con dâu Chăm H’Roi, Kinh cũng mặc trang phục Thái như mẹ chồng. |
Hạnh phúc viên mãn
Sau khi được bà con làng Hà Lũy chỉ đất đai, nương rẫy cho trồng trọt, vợ chồng ông Lượng cùng con cái chăm chỉ làm ăn, không ngại khó khăn vất vả, dần dần gia đình ông cũng có cái ăn cái mặc, rồi của ăn của để.
Dù làm nông nhưng “thuận buồm xuôi gió” nên vợ chồng ông đã nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Hiện anh Hưng đang là cán bộ công tác tại UBND xã Canh Thuận, anh Hiền là giáo viên trường THPT An Lão (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), chị Nga sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đã ở lại đây làm việc.
Rồi niềm vui liên tiếp đến với gia đình này khi lần lượt đón nhận các thành viên mới là vợ, chồng của các con. Anh Hưng kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Chứng (ở làng Canh Tân, người dân tộc Chăm H’Roi) hiện là giáo viên mầm non xã Canh Thuận; anh Hiền sánh đôi cùng chị Nguyễn Thị Thắm (ở huyện An Lão, người dân tộc Kinh) hiện làm việc tại UBND huyện An Lão; chị Nga có chồng là anh Thạch Ro Thi (ở tỉnh Vĩnh Long, người dân tộc Khơ Me). Vậy là gia đình ông Lượng trở thành đa dân tộc, đồng nghĩa với đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Điểm đặc biệt này ở gia đình ông Lượng cũng chính là cội nguồn của nhiều câu chuyện cảm động, thú vị về cách nuôi dưỡng tình thân gia đình, cách xây nếp nhà êm ấm, tôn ti và lòng tôn trọng bản sắc văn hóa giữa các thành viên.
Anh Hưng vui vẻ cho biết: “Nhờ có nhiều dân tộc mà đôi lúc gia đình cũng rộn tiếng cười mỗi khi hài hước, vui đùa. Khi cả nhà có mặt đầy đủ, đặc biệt là mấy đứa cháu, bố mẹ tôi cứ bảo tụi nhỏ nói tiếng này, tiếng nọ, một là để vui vẻ mỗi khi gia đình sum họp, nhưng cũng là để dạy cháu con biết thêm nhiều ngôn ngữ khác. Đó là rèn giũa cho con cháu tôn trọng bản sắc văn hóa của các thành viên trong gia đình”.
Người mẹ giữ vai trò xây tổ ấm của đại gia đình này, bộc bạch: “Khi cả 3 đứa con đều lấy vợ, lấy chồng người dân tộc khác, thú thật tâm lý vợ chồng tôi cũng có phần e ngại. Khác tiếng nói, khác phong tục tập quán… không biết rồi chúng có quyết tâm, kiên nhẫn để nhập gia tùy tục, mà thông cảm cho nhau, tôn trọng nhau mà đi đến trọn đời hay không?
Nỗi niềm ấy vợ chồng tôi cũng đều bày tỏ cho dâu, rể biết để chúng liệu bề cư xử. Phần mình là bố mẹ thì hết lòng gương mẫu, thương yêu, bao dung, xem trọng nét riêng văn hóa của các dân tộc khác cũng thiêng liêng như văn hóa dân tộc mình”.
Chị Chứng cho biết: “Bố mẹ chồng tôi là những người quý trọng văn hóa cổ truyền cũng như giá trị tinh thần, luôn dạy con cháu hướng về tổ tiên, nguồn cội. Xa quê đã lâu, song những tập tục đẹp của người Thái bố mẹ đều giữ, cả nghi thức cúng kiếng, cách bài trí trong nhà, nhạc cụ, trang phục…
Là những người con dân tộc Kinh, Chăm H’Roi, Khơ-me về làm con dâu, rể nhà người Thái, điều làm chúng tôi cảm động nhất là được bố mẹ khuyến khích giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, chứ không độc đoán bắt phải theo, nếu có theo là tự chúng tôi cảm thấy hay nên học, nên theo mà thôi”.
Ở gia đình này, thế hệ thứ 3, đến đứa trẻ như bé Hà (6 tuổi, con anh Hiền), cu Tiến (8 tuổi, con chị Nga), bé Ngân (10 tuổi, con anh Hưng) cũng biết nói đến 3, 4 “ngoại ngữ” bên cạnh tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái và ngôn ngữ phổ thông là tiếng Kinh. Có lẽ nhờ “chìa khóa” tiếng nói chung giữa các thế hệ trong gia đình này mà tiếng cười đầm ấm, hạnh phúc luôn đủ đầy.
Ông Nguyễn Trọng Sang, cán bộ văn hóa xã Canh Thuận, cho biết: “Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình ông Lượng nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu.
Thuộc thành phần hộ gia đình mới nhập cư so với các tộc người Ba Na, Chăm H’Roi lâu đời ở đây, song gia đình này là điển hình vươn lên làm kinh tế, tạo dựng cuộc sống no đủ về vật chất. Bên cạnh đó, họ sống rất mẫu mực, đoàn kết và có trách nhiệm với cộng đồng, được lòng bà con địa phương”.