Vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng
Với vị trí địa chính trị quan trọng ở vùng biển Ðông Bắc, Cô Tô từ lâu đã luôn được Ðảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Có một câu chuyện mà đến giờ người dân trên đảo Cô Tô vẫn còn nhớ, đó là vào ngày 9/5/1961, Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Trong niềm vui quá bất ngờ, cả đảo xúc động, hân hoan chào đón Bác, các em học sinh cũng hòa cùng dòng người với cờ hoa mong chờ giờ phút được tận mắt nhìn thấy Bác.
Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, hỏi chuyện phụ nữ, ôm hôn các chiến sĩ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Bác căn dặn đồng bào nơi đây về các mặt, từ sản xuất, củng cố hợp tác xã, phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an… Người khẳng định: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết và tiến bộ”. Trong chuyến đi ấy, Người đã đến thăm một số cơ sở sản xuất trên đảo. Qua Dốc Khoai, Bác xem bới khoai dưới ruộng và khen khoai tốt. Bác còn đến thăm đồng muối, ân cần thăm hỏi bà con các dân tộc trên đảo, sau đó Người về nghỉ chân tại Ủy ban hành chính xã Cô Tô.
Tháng 1/1962, khi Bác trở lại thăm vùng Ðông Bắc, thể theo nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh khi ấy đã xin phép Bác cho dựng tượng Người trên đảo Cô Tô và được Bác đồng ý. Từ đây, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh (sáp nhập 2 tỉnh Hải Ninh và Hồng Quảng) đã quyết định xây dựng tượng đài Bác và khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô.
Khu lưu niệm Bác Hồ ở Cô Tô - “Cột mốc văn hóa” trường tồn
Năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. Tượng đài Bác Hồ tọa lạc trong khuôn viên có nhiều hoa, cây cảnh và những cây Tùng quý hiếm của đảo Cô Tô. Tượng Bác đứng uy nghiêm, hướng ra Biển Ðông như che chở cho đất và người Cô Tô.
Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, với chất liệu làm bằng thạch cao, tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Tượng cao 1,8m (cả bệ là 4m). Công trình được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Bác, tượng Bác bán thân được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m, nằm cách bờ biển 100m. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, tượng Bác bằng bê-tông được thay bằng đá gra-nít. Cho đến ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng đài Bác có quy mô to lớn, đẹp nhất vùng Ðông Bắc của Tổ quốc.
Cách Khu tượng đài Bác không xa là Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch - nơi Bác dừng chân nghỉ ngơi sau khi gặp gỡ, nói chuyện với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo năm xưa, nay vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những kỷ vật về Người. Nhà lưu niệm được xây dựng gồm 5 gian cấp 4, mô phỏng giống căn nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ Tịch. Bên trong Nhà lưu niệm, nổi bật ở gian giữa là bức tranh của họa sĩ Văn Giáo khắc họa lại bối cảnh ngày Bác ra thăm đảo, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc, các cháu thiếu nhi đón mừng Bác; tượng bán thân Bác được đặt trên bục khung xếp ly vải đỏ. Nhiều hiện vật quý như: bức tranh bác Hồ ra thăm đảo, bộ quần áo, đôi dép cao su, các bức ảnh tư liệu... được lưu giữ tại "bảo tàng" thu nhỏ trên đảo Cô Tô. Gian bên cạnh là bàn làm việc, tủ kính trưng bày quần áo, đồ dùng của Bác, các hình ảnh chụp Bác ra thăm đảo cùng một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Nhà nước như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, Trường Chinh từng tới thăm Cô Tô. Tiếp theo là các bản trích lời nói chuyện, bút tích của các đồng chí lãnh đạo trong những lần tới thăm Cô Tô. Hai gian thông bên trái trưng bày những thành tựu kinh tế - xã hội của quân và dân Cô Tô...
Năm 2019, Nhà lưu niệm được tu sửa lại khang trang, sắp xếp trưng bày khoa học, bổ sung các hiện vật. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện bố trí các hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà trưng bày qua những câu chuyện lịch sử, bài thuyết minh về tình cảm Bác dành cho quân và dân đảo Cô Tô và lòng kính yêu của quân và dân đảo hướng về Bác. Vì thế, đây là điểm đến mà nhiều du khách, nhân dân địa phương, đặc biệt là học sinh các trường trên địa bàn huyện chọn làm nơi tổ chức các buổi ngoại khóa về lịch sử.
Năm 2020, trong khuôn viên mở rộng của Khu di tích, một công viên Tùng Cô Tô được khởi công xây dựng, góp phần bảo tồn loài cây quý hiếm của đảo. Ðồng thời, Công viên Tùng Cô Tô cũng tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường du lịch, tạo sản phẩm độc đáo, tôn vinh thêm vẻ đẹp của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là “cột mốc văn hóa” trường tồn; là “cột mốc chủ quyền” của Việt Nam trên vùng biển đảo Ðông Bắc của Tổ quốc; là di sản quốc gia quý báu cần được bảo tồn, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu độc đáo của di tích gắn với việc giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc. Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1997. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử này.