Hậu quả đau lòng vì game
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 23/10/2021, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh thông tin, đã tiếp nhận một bệnh nhân là học sinh 14 tuổi ở tỉnh Đồng Tháp uống thuốc sâu tự tử. Nguyên nhân được cho là, sau một thời gian học online, cậu bé này nghiện game, gia đình phát hiện ngăn cản thì cậu tìm đến cái chết.
Trước đó, ngày 5/4/2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình đối với bị cáo Vũ Tiến Long, sinh năm 1998, ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc (Hà Trung) về tội giết người và cướp tài sản. Theo cáo trạng, khoảng 4 giờ ngày 7/10/2020, Long đột nhập vào nhà ông Tống Duy Nghiễn và bà Cù Thị Kiện ở cùng ngõ để trộm đồ bán lấy tiền chơi game. Bị phát hiện và truy cản, Long dùng dao đâm nhiều nhát vào ông Nghiễn, bà Kiện đến chết rồi vào nhà lấy cắp tài sản, sau đó tiếp tục ra quán chơi game.
Ngày 23/3/2021, tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tại cơ quan công an, đối tượng Bùi Trọng Nghĩa, 16 tuổi, ngụ phường Châu Phú B (TP Châu Đốc) khai nhận, để có tiền chuộc hai chiếc xe máy của gia đình bị Nghĩa cầm cố lấy tiền chơi game, đối tượng đã giết bạn là Thái Quang Minh, 28 tuổi, ngụ cùng phường.
Đau lòng nhất là trường hợp vào đầu tháng 6/2020 khiến dư luận bàng hoàng. Một bé trai 5 tuổi (ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay. Nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân chính là một học sinh đang học lớp 11, nghiện game và muốn thực hiện theo các hành động trong game.
Cũng đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như: Trẻ nghiện game cướp giật tiền người thân, giết người thân vì nghiện game. Trong khi đó, một số học sinh nghiện game khi được chuyên gia hỏi, các em trả lời nguyên nhân dẫn đến “nghiện” là do buồn chán, không có gì để chơi. Cuộc sống các em đang thiếu vắng nhiều hoạt động thú vị, nhất là giai đoạn học trực tuyến.
Thực tế cho thấy sau một thời gian dài phải học trực tuyến, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì con mình đã “nghiện” game hoặc trở thành game thủ. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy bất lực khi mà sau giãn cách, phải đi làm trở lại, không thể “ngồi canh” mỗi khi học online. Đây chính là điều kiện thuận lợi để những đứa trẻ này tranh thủ chơi game cả trong và sau giờ học khi không có người giám sát.
Cần sự giám sát của phụ huynh
Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Đình Sơn thuộc Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cảnh báo, qua tương tác nhiều trường hợp nghiện game cho thấy, trẻ bị giảm sút trí nhớ, kết quả học tập tụt giảm, teo não, rối nhiễu cảm xúc, rối nhiễu tâm trạng… Hệ quả kéo theo đương nhiên làm trẻ bỏ lỡ cơ hội phát triển tài năng, đánh mất đi tương lai.
Tại Việt Nam, chưa có điều tra chính thức nhưng hiện tượng rối nhiễu tâm lý liên quan tới hành vi chơi game trực tuyến tìm tới sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý đã gia tăng đột biến trong 5 năm gần đây. Nhiều trường hợp rất nặng phải can thiệp ngay cả sau khi phụ huynh quyết định đưa con tới bệnh viện gặp bác sĩ khoa tâm thần và đã dùng thuốc cho con. Nhưng khi cắt được cơn, gia đình cũng vẫn cần quay lại liệu pháp tâm lý. Có trường hợp một học sinh cấp 2 tại Hải Phòng đã dùng thuốc được hơn một năm nhưng cứ tỉnh thuốc bạn đó lại bỏ nhà đi chơi.
Ông Sơn chia sẻ, trước đây ông thường can thiệp tâm lý cho các học sinh ở cấp THPT, tuy nhiên gần đây trong bối cảnh dịch bệnh có cả học sinh lớp 4 cũng đã nghiện game. Theo đó, ông Sơn cho rằng cha mẹ cần phải là tấm gương cho con trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó cần phải đề ra nguyên tắc về quản ký giờ chơi đối với con. "Các cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc siết chặt cấp phép đối với các loại hình game đặc biệt là game bạo lực, như vậy mới có thể mới tránh được những hệ luỵ đáng tiếc", ông Sơn nói.
TS tâm lý Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp về giáo dục tâm lý của Hệ thống giáo dục ATY (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tâm lý của phụ huynh thông thường phát hiện ra con nghiện game sẽ hoang mang, tức giận, thất vọng… nhưng không biết cách xử lý dẫn đến bế tắc, buông xuôi để sự việc trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do phụ huynh không có phương pháp, thiếu sự định hướng hoặc vướng mắc tình cảm, thiếu quyết đoán dẫn đến hệ quả là “giữa đường gãy gánh”, mất thời gian, tốn công sức, không hiệu quả. Do đó, tùy từng lứa tuổi để có giải pháp cai nghiện cho con, trong đó cha mẹ dành thời gian kéo trẻ tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng mình, tránh để trẻ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, trẻ nghiện game thái quá sẽ chỉ thích sống trong thế giới ảo, dẫn đến nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật; học hành kém hiệu quả; tổn hại về sức khỏe và thần kinh, có thể bị trầm cảm.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, phụ huynh cần có biện pháp giám sát con cái thật chặt chẽ để đảm bảo rằng, quá trình trẻ em học trực tuyến của con được diễn ra lành mạnh. Con không bị nghiện game hay bị cuốn vào thế giới ảo. Giải pháp cấp bách là cần phải cho các em học sinh quay trở lại trường học tập trung, bởi bị “nhốt” trong nhà một thời gian dài sẽ khiến các em bức bối, sang chấn tâm lý, lấy game làm niềm vui rồi cuối cùng bị ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần.
Để giúp trẻ "cai nghiện game", chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, thay vì cấm đoán, phụ huynh nên giải thích cho con hiểu sự nguy hiểm nếu sa đà quá nhiều vào game online; phân công con làm một số công việc nhà, giúp con dần tạo nếp sinh hoạt lành mạnh, cân bằng giữa học tập và vui chơi. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên con, chơi với con để hiểu tâm tư nguyện vọng của con mình.