Từ một bức thư…
“Ba mẹ thương!
Ba mẹ có nhớ hôm trước chị hai vô tình đá phải lọ mực làm lọ mực đổ ra sàn không? Khi ba về dù không biết đầu đuôi như thế nào nhưng ba đã trách con và tát con một cái rất đau. Khi con khóc, ba còn tát con một cái nữa. Con rất tức giận nhưng không nói được gì cả. Sau đó, chị hai về và nói với ba là chính chị ấy là người làm đổ lọ mực nhưng ba lờ đi. Lúc đó con chỉ muốn đi ra khỏi nhà nhưng con vẫn rất yêu ba mẹ”.
Đây là một bức thư của một cậu bé 10 tuổi, là một bài tập tình huống trong một chương trình tập huấn về sự tham gia của trẻ em trong truyền thông bảo vệ trẻ em mà các phóng viên chuyên viết về trẻ em tham dự. Chương trình do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the children), Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (VACR) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cùng phối hợp tổ chức.
Thực tế trong cuộc sống, những tình huống tương tự như thế này xảy ra không ít trong các gia đình Việt.
Nếu bạn là người cha trong câu chuyện kể trên, bạn sẽ làm gì? Ngay lập tức “chụp mũ” cho cậu con trai nghịch ngợm và trừng trị con thật nghiêm khắc hay bạn sẽ đợi cả người chị lớn về để hỏi cho rõ đầu đuôi sự việc và cùng các con khắc phục hậu quả? Cùng một sự việc, nhưng mỗi người sẽ có một cách xử lý khác nhau, nhưng bạn nên nhớ, kỷ luật tích cực bao giờ cũng khó khăn hơn là trừng phạt, truy tìm nguyên nhân thì dễ, khắc phục hậu quả mới là điều quan trọng.
Giá như, người cha trong bức thư không nóng vội quy chụp trách nhiệm lên đầu cậu con trai 10 tuổi, thì cậu bé đã không phải nhận hai cát tát oan uổng. Đánh trẻ vì bất cứ nguyên nhân nào cũng là sai trái, vậy mà khi biết cậu con trai bị đánh oan, người cha không hề xin lỗi con hay tỏ ra hối hận mà cố tình lờ đi thì sai lại càng sai. Cậu bé trong câu chuyện kể trên đã rất buồn, rất đau lòng chỉ muốn bỏ nhà ra đi nhưng vẫn khẳng định “con vẫn rất yêu ba mẹ”.
Sau khi nhận được bức thư này của con trai, nếu người cha bình tâm suy nghĩ lại hành vi của mình và thẳng thắn trò chuyện cùng con để tháo gỡ những khúc mắc giữa hai cha con, quan hệ cha con họ có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhưng, nếu người cha vẫn tiếp tục “lờ đi” thì rất có thể suy nghĩ “con chỉ muốn đi ra khỏi nhà” sẽ không chỉ tồn tại trong suy nghĩ của đứa trẻ nữa mà biến thành sự thật. Lúc đó, người cha có hối hận thì e là đã muộn.
Cần xóa bỏ các hình thức bạo lực trẻ em trong gia đình
Theo báo cáo của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (số 111), năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (72,84%), tăng 5,3% so với năm 2020.
Bạo lực trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Các hình thức bạo lực đối với trẻ em bao gồm: Bạo lực về tinh thần: chửi mắng, dùng lời nói làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của trẻ; Bạo lực về thể chất: ngược đãi, đánh đập, gây tổn thương tới sức khỏe, tính mạng trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em bị cha mẹ, người thân bạo hành luôn sống trong lo sợ, thiếu tự tin vào bản thân cũng như cuộc sống. Những vết thương về thể chất cũng như tinh thần sẽ để lại những di chứng, khuyết tật tâm lý nặng nề sau này.
Bạo lực từ gia đình ảnh hưởng đến cách hành xử của trẻ em với bạn bè và những người xung quanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, sẽ có hành vi bạo lực nhiều hơn so với những trẻ khác.
Để xóa bỏ hoàn toàn các hình thức bạo lực thể chất và tinh thần trẻ em trong gia đình, cha mẹ cần dành thời gian cho con, lắng nghe và thấu hiểu con, luôn đồng hành cùng con trong học tập cũng như trong cuộc sống, không quát mắng hay đánh đập con; thay vào đó, hãy áp dụng kỷ luật tích cực trong giáo dục trẻ, đồng thời tăng cường khích lệ, động viên trẻ và cùng con tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề khúc mắc.
Giáo sư Lucie Cluver, Giảng viên Công tác xã hội với Trẻ em và Gia đình tại Đại học Oxford, đồng thời là mẹ của hai cậu con trai nhỏ cho biết, các bằng chứng đã chỉ rõ: quát mắng hay đánh con không có tác dụng mà lợi bất cập hại về lâu dài. Việc đánh mắng liên tục thậm chí có thể để lại ảnh hưởng bất lợi kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. “Căng thẳng độc hại” liên tục gây ra từ việc bị đánh mắng như vậy có thể dẫn đến một loạt hậu quả như xác suất bỏ học, mắc bệnh trầm cảm, sử dụng ma túy, tự tử và mắc bệnh tim cao hơn.