Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hãy thôi say sưa tự ca ngợi mình

Không lấy gì làm lạ khi hội nhập diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột.

Từ khi các “xa lộ thông tin” băng thông rộng, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tuyến vận tải hàng không xuyên lục địa hình thành và liên kết với nhau ở mọi nơi trên thế giới, trái đất chúng ta bỗng biến thành một “ngôi làng” thực sự. Một trận động đất hay sóng thần ở Nhật Bản, một vụ xả súng giết người hàng loạt ở Paris nước Pháp cũng ngay lập tức khiến cả nhân loại bàng hoàng.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành quá trình rộng khắp, không thể  một ai với ý muốn chủ quan, duy ý chí có thể ngăn chặn được. Không lấy gì làm lạ khi quá trình này diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào quá trình này. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột.a

văn hóa, bản sắc, hội nhập, quốc tế, kinh tế
Ảnh: Daidoanket.vn

Không phải là không có lý khi nhiều người cao giọng cảnh báo về cuộc “xâm lăng văn hóa” bắt đầu từ những chiếc quần bò, áo phông, thức ăn nhanh McDonald và nước uống Coca Cola…đến các phim “bom tấn” của Hollywood. Người ta nhắc đi nhắc lại rằng “Để mất bản sắc văn hóa dân tộc là… mất hết”.

Đó chỉ mới là những biểu hiện bề ngoài  của văn hóa. Không thể coi nhẹ tác động của điều kiện kinh tế, “phong thổ”  địa lý… khi bàn chung đến văn hóa một dân tộc cụ thể nào đó, tuy nhiên  vẫn phải thừa nhận rằng chính những giá trị văn hóa tinh thần thể hiện qua các cách ứng xử giữa người với người mớí làm nên bản sắc văn hóa dân tộc ở chiều sâu xa nhất. 

Từ đây nổi lên vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc ta điểm mạnh, điểm yếu là thế nào?        

Với khuôn khổ giới hạn của một bài báo, tôi xin phép chỉ nhắc tới vài nét chính dưới góc nhìn  những con người của dân tộc ứng xử  văn hóa như thế nào.

Chúng ta thường quen nghe nói bản sắc văn hóa dân tộc ta là người Việt Nam có lòng yêu nước mạnh mẽ, dũng cảm quên mình để bảo vệ đất nước; cần cù, sáng tạo trong lao động; tính cộng đồng cao, đoàn kết tương thân tương ái; hiếu học tôn sư trọng đạo.

Tuy nhiên, như hai mặt của tấm huân chương, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không khó để thấy những mặt trái của các đặc tính nêu trên. Chúng ta có thể bộc lộ rõ phẩm chất cao quý của lòng yêu nước trong những thời khắc hiểm nghèo khi bị xâm lược, nhưng đáng tiếc là nhiều khi lòng yêu nước ấy lại bị nhạt nhòa trong cuộc sống thường ngày.

Đã không ít người dân quên mất thể diện dân tộc, quên mất quốc sỉ khi chạy theo chèo kéo khách du lịch nước ngoài mua hàng, chặt chém, lừa đảo họ. Khi ra nước ngoài thì lại chen lấn xô đẩy, không chịu xếp hàng, nói cười hô hố nơi đông người, lấy thừa mứa thức ăn rồi bỏ dở, thậm chí còn dở thói tắt mắt trộm vặt ở các siêu thị, khiến nước chủ nhà phải treo những tấm bảng cảnh báo bằng tiếng Việt.

Chúng ta vẫn thường hài lòng và tự khen mình là “thông minh, cần cù, sáng tạo”, nhưng có mấy khi tự hỏi mình rằng ta đã có những phát minh, sáng chế gì đáng kể cho nhân loại hay chưa và vì sao từ xưa đến nay, ta vẫn nghèo nàn, lạc hậu, và cho đến nay vẫn chưa làm nổi một con ốc vít đạt chuẩn?!

“Tính cộng đồng đoàn kết” đã biến đi đâu khi không hiếm thấy ở nhiều thôn xã dòng họ này chèn ép dòng họ kia, tranh giành những chức quan nhỏ? Tình trạng đấu đá nội bộ ở nhiều cơ quan đã không còn hiếm gặp. Nhiều thương nhân thì tranh mua, tranh bán, tạo điều kiện cho thương lái nước ngoài đồng lòng ép giá…

“Tinh thần tương thân tương ái” lặn mất tăm khi người đi đường bỏ mặc ai đó bị tai nạn giao thông, hay nhào vô hôi của khi hàng hóa của ai đó bị vung vãi xuống đường!

Có đúng là chúng ta “hiếu học, tôn sư trọng đạo” hay không khi lún sâu vào cuộc chạy đua  nhồi nhét kiến thức nặng về lý thuyết?! Chúng ta học để thi, học để có bằng cấp mà lại coi nhẹ học làm người, học kỹ năng sống, học để có nghề nghiệp thiết thực.

Người lớn liệu có truyền “tinh thần hiếu học” sang con trẻ khi bắt chúng phải học thêm hết tuần này sang tháng khác, làm mất tuổi thơ lẽ ra phải rất tươi đẹp. “Tôn sư trọng đạo” ở đâu khi các bậc phụ huynh không dấu con trẻ những chiếc phong bì kính biếu thầy cô vào dịp lễ này, tết nọ để mong đánh đổi lấy sự ưu ái với con mình.

Xin lỗi bạn đọc khi có vẻ như tác giả đã hơi quá lời khi nói đến mặt trái. Nhưng quả thực đã cố gắng tự tiết chế mình vì dường như thực tế chung quanh, nhất là trong những năm gần đây, những vấn đề nêu trên ngày càng nhức nhối hơn thì phải.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, thôi bài ca tự ca ngợi mình, bỏ thói quen say sưa tự nhìn ngắm mình, tự yêu mình thái quá của chàng Narcissus huyền thoại thời Hy Lạp cổ đại (xem chú thích), cùng nhau loại bỏ phần xấu, phát huy cái tốt đẹp trong con người Việt Nam để vững bước đi vào hội nhập văn hóa quốc tế.

Phan Hồng Giang

* Narcissus từ nhỏ đã rất khôi ngô, được người đời ca ngợi hết lời nên mắc thói kiêu căng. Một lần đi vào rừng, Echo đã rơi vào tình yêu với Narcissus ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Khi Narcissus phát hiện có người theo dõi mình, cất tiếng hỏi "ai đấy?". Vì mang trên mình lời nguyền của nữ thần Hera nên Echo chỉ có thể "nhại lại" câu hỏi của Narcissus. Cho rằng Echo trêu đùa, Narcissus thẳng thừng từ chối. Echo đã buồn bã nguyền rủa Narcissus.

Narcissus tiếp tục đi, tới khi gặp một hồ nước, cúi người uống một ngụm. Thật kỳ lạ, thứ nước ấy đã khiến Narcissus có… cảm tình với chính hình ảnh phản chiếu của mình, hệt như cái cách Echo phải lặp lại câu hỏi của anh trước đó.

Narcissus mê mẩn ngắm nhìn hình ảnh của mình trên mặt nước, cứ thế ngồi đó cho đến khi chết đi, hóa thành một bông hoa thủy tiên.

Câu chuyện là một bài học đáng giá: Narcissus đã phải nhận lấy kết quả của sự kiêu căng, hợm hĩnh về vẻ đẹp của mình. Trong khi đó, Echo cũng không có được tình yêu chỉ vì thói nói nhiều.