Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hãy tìm thấy Niết bàn trong từng giây của cuộc sống

Thông thường, người đời cứ hiểu Niết bàn là ở cõi an lạc phía bên kia thế giới loài người. Nhưng thật ra, theo Phật pháp thì Niết bàn chính là trạng thái của tâm, khi tâm không phiền não, an lạc chính là Niết bàn. Vì thế, mỗi giây mỗi khắc trong cuộc sống hiện hữu trôi qua mà lòng vui vẻ, hoan hỉ chính là chúng ta đang có Niết bàn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vui trong từng khoảnh khắc để có Niết bàn

Người viết bài này có anh bạn học chung thời đại học, đường quan lộc từ ngày ra trường đến giờ luôn thênh thang, riêng chuyện “chơi” anh đã ngao du qua hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, cuộc sống vật chất không thiếu thứ gì, dù anh không thuộc dạng “quơ quào” của cải. Thế nhưng, đầu năm nay, anh hoan hỉ khoe là đã… được thôi giữ chức tổng giám đốc một đơn vị lớn của nhà nước - cái chức mà bao người thèm muốn nhưng anh lại muốn giải thoát ra từ nhiều năm mà đơn vị chủ quản chưa tìm được người thay thế. Rất nhiều người theo thói thường tình tiếc rẻ và bảo anh “khùng”! Phần anh, lại thấy chán với những cuộc họp căng thẳng mà anh cho rằng mục đích sâu xa cũng vì tiền, chán với việc cầm viết không phải để viết thơ vẽ nhạc như hồi đi học mà toàn ký kết làm ăn! Nên với anh, ngày “thôi giữ chức” ánh mắt lại long lanh rạng ngời. Và hiện tại, anh khoe trồng được loài hoa này, nuôi được loại cá kia, đi bộ trên những con đường ven sông mỗi chiều, về quê thăm và ở bên mẹ anh rất lâu, đọc bao cuốn kinh sách mà nhiều năm qua không có thời gian… Gặp tôi, anh bảo: “Hiện tại, cuộc sống của mình là Niết bàn mỗi ngày, cảm ơn cuộc sống này”!

Một em học sinh làm bài thi xong thấy đúng đáp án, lòng hân hoan vui sướng. Một bà bán hàng rong mới sáng sớm mà khách mua rất đông, sắp hết hàng, hứa hẹn thu nhập khá hơn những ngày qua, trả hết nợ, mở rộng thêm cửa hàng, miệng hát véo von. Hai người bạn giận nhau, nay hết giận, tay bắt mặt mừng… Tất cả những niềm vui dù nhỏ nhặt đó đều chính là Niết bàn.

Theo Phật pháp, Niết bàn là phiên âm từ chữ Nibhana từ tiếng Phạn, dịch theo từ Hán Việt là diệt độ, nghĩa là diệt phiền não, hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt và độ sinh tử. Có bốn “tiêu chuẩn” để đạt đến Niết bàn là “thường - lạc - ngã - tịnh”, đó cũng là bốn chất liệu, bốn yếu tố để có Niết bàn. Niết bàn là trạng thái của tâm, khi tâm mình chấp nhận một cách nhẹ nhàng với cái thường của cuộc sống như sinh lão nhục vinh, trái ngược với vô thường - khổ - vô ngã - bất tịnh của thế giới thực tại. Tâm bình - thế giới bình nên lòng sẽ an ổn trước vô thường, nghĩa là tâm sẽ bình thường trước những điều bất thường mà không khổ đau, sân hận vì điều đó. Ví dụ, một người làm cùng cơ quan, hôm nay hắt hủi mình, nhưng ngày mai ngọt ngào săn đón vì cần mình thì không nên chấp những điều bất thường của người đó, mà hiểu đó là đời, là… thường! Lạc là vui, là do tâm trạng của mình mà ra, không phải do ngoại cảnh. Tất nhiên, để vượt lên nghịch cảnh không phải là dễ khi không quán chiếu được vấn đề. Hãy luôn nghĩ  họa, phúc luôn liền kề, điều đó tùy vào cách nhìn, sự lạc quan và tính cách của từng người. Lạc là niềm vui, tất cả những gì ta mở lòng chấp nhận được là niềm vui thì con người dễ có an lạc. Ngã là tự tại, vượt lên tất cả mọi dính mắc với đời dù vui dù buồn. Thoát khỏi cái bản ngã là đạt tới Niết bàn. Nếu con người còn chấp ngã thì sẽ không thoát khỏi những khổ đau nhân thế. Tịnh là sự tĩnh lặng cần có khi quán chiếu mọi việc. Một người trải qua muôn vàn vui buồn, nhục vinh đều ung dung tự tại, không thấy khổ đau để có Niết bàn, chính là sự bình an thân tâm. Cuộc đời là có đến có đi, có tụ có tán, cái gì có hình tướng là cái tạm có, hiểu được như vậy sẽ dễ dàng có giải thoát và cảm nhận Niết bàn.

Niết bàn qua nụ cười trẻ thơ. Ảnh minh họa

Niết bàn qua nụ cười trẻ thơ. Ảnh minh họa

Niết bàn khó có chỗ cho người chấp ngã

Như đã nói, để dễ tìm thấy Niết bàn trong cuộc sống, tâm cần quán chiếu bốn chất liệu cốt lõi là thường- lạc- ngã- tịnh. Thế nhưng, trong cuộc sống, con người lại đủ thành phần: người hiền người dữ, người có tuệ giác người vô minh, người tham người vô ngã… Và, không ít người không quán chiếu các pháp, chấp ngã nên chìm trong khổ đau.

Có câu chuyện vui kể rằng: Có ông nọ đi xin câu đối về treo Tết. Vị hòa thượng cho 2 vế đối, một bên là “ông cố chết, ông nội chết, cha chết”, bên đối là “con chết, cháu chết, chắt chết”. Ông nọ than rằng, sao hòa thượng cho gì mà ngày Tết toàn chết cả dòng vậy. Vị hòa thượng bèn bảo “Chết theo thứ tự là tốt”. Tuy là câu chuyện vui, nhưng qua đó cho thấy con người nên quán chiếu vấn đề một cách bình thường nhất: có ai trên đời này mang thân tứ đại mà thoát được chữ chết đâu. Mà trong dòng tộc, chết người lớn tuổi nhất, rồi theo tháng năm, lần lượt chết người nhỏ tuổi hơn, đó là điều bình thường. Sợ nhất là cảnh tre già ngồi khóc măng non.

Mỗi người mỗi tính cách riêng và người ít tham lam, không chấp ngã dễ tìm đến Niết bàn nhất. Người luôn thấy mình đủ và biết dừng lại trước vật chất hay địa vị cũng dễ có Niết bàn. Nhưng, éo le là trong cuộc sống, người không bon chen theo danh lợi sẽ bị những người đu theo lợi danh xem như “khùng” như anh bạn vừa kể ở đầu bài viết. Cũng như trong xã hội nhiễu nhương, người có lòng từ bi, hay bố thí đôi khi vẫn bị xem là “ngu” dù bản thân những vị có tâm Bồ Tát luôn tìm thấy Niết bàn trong mỗi việc họ làm.

Cuộc sống là hạn hữu, người đời hay nói câu: Khi sinh ra hai bàn tay trắng, lúc chết thì cũng ra đi với hai bàn tay trắng, cho thấy sự vô thường trong kiếp nhân sinh. Vì vậy, sao ta không buông bỏ bớt dục vọng để dễ thấy Niết bàn trong mỗi ngày trôi qua.