Đọc trộm tin nhắn: xâm phạm quyền riêng tư của trẻ
Chị Thu Minh, mẹ của một bé gái năm nay 13 tuổi, cho biết, gần đây chị thấy con hay chú ý đến hình thức, học hành chểnh mảng, có lần xin phép mẹ sang nhà bạn học nhóm nhưng chị lại bắt gặp cả hai đang uống trà sữa, tán chuyện ngoài đường. Chị quyết định phải theo dõi xem tại sao con có nhiều hành động khác thường như vậy.
Một lần, con quên thoát Facebook trên điện thoại của mẹ, chị liền vào phần tin nhắn đọc. Thì ra, con gái chị đã có bạn trai, là một anh học lớp 8 cùng trường. Người bạn thân của con cũng có bạn trai học cùng lớp. Lịch sử tin nhắn cho thấy con dành khá nhiều thời gian để chat với người bạn thân cũng như bạn trai. Sau đó, chị tạm khóa tài khoản Facebook của con, nghiêm cấm con sử dụng điện thoại. Lo sợ con sa đà vào chuyện yêu đương, bỏ bê học hành, chị cấm con không được liên hệ với bạn trai, đồng thời bắt con ngừng chơi với bạn thân.
Ngay lập tức, con gái chị “bật” lại mẹ. Cô bé không đồng ý cách làm của mẹ, thậm chí còn lớn tiếng: “Mẹ là người lớn mà cư xử không đàng hoàng”. Một cái bạt tai giáng xuống nhưng không làm con bé run sợ mà chỉ khiến nó tức giận hơn. Nó kể tội chị: “Mẹ đọc trộm tin nhắn là không tôn trọng con. Mẹ bắt con chơi với người này, không chơi với người kia là áp đặt. Con có thể không yêu nếu như điều đó khiến mẹ lo lắng, nhưng mẹ không thể cấm con chơi với người bạn thân nhất được”. Thậm chí, cô bé còn nói to như hét vào mặt mẹ: “Con ghét mẹ, mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con”.
Chị Minh thực sự bị sốc, tại sao sự quan tâm, lo lắng cho con cái của chị lại bị hiểu nhầm thành “mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con?”. Con sai hay chị đã sai?
Kiểm soát con thái quá: Lợi ít, hại nhiều
Khi còn bé, con sẽ coi bố mẹ là nhất, lúc nào cũng quấn quýt, không muốn đi đâu, làm gì mà không có cha mẹ ở bên. Nhưng khi đi học chúng sẽ có bạn bè và nhiều mối quan hệ hơn. Ðến tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có nhiều mối quan tâm khác, ngoài gia đình và học hành. Ðặc biệt, chúng bắt đầu có chính kiến, biết lập luận, thích thể hiện cái tôi và muốn được tự quyết định các vấn đề cá nhân. Càng cố kiểm soát, trẻ sẽ tìm mọi cách thoát khỏi vòng tay của cha mẹ.
Nhiều cha mẹ mua điện thoại cho con để tiên liên lạc nhưng bật tính năng Find my iPhone hoặc chế độ định vị để có thể biết con đang ở đâu nếu không liên lạc được. Họ thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập trang web của con để biết con đã xem gì, đọc gì, tải gì về. Họ cài đặt các ứng dụng hoặc phần mềm có thể theo dõi tất cả các tin nhắn, cuộc gọi của trẻ. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn yêu cầu con phải cung cấp mật khẩu (nếu con không đồng ý thì hack mật khẩu) để đọc các tin nhắn Zalo hay Messenger của con. Không ít cha mẹ còn dùng “tai mắt” là bạn bè hay họ hàng để theo dõi con.
Sự kiểm soát thái quá cùng nhiều hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em không chỉ khiến trẻ bị mất đi sự tự do, tự lập, mà còn khiến cho mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng trở nên xa cách. Mặt khác, việc thiếu đi không gian riêng tư có thể khiến cho trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần như: lo âu, tự ti, sống khép kín, đề phòng, thậm chí là trầm cảm.
Chúng ta thường bao biện cho hành động lén theo dõi con, đọc trộm nhật ký hay tin nhắn của con là để bảo vệ con, nhưng thực ra điều này chỉ minh chứng một điều, bạn không tin tưởng con và đang lúng túng trong việc giáo dục con như thế nào cho đúng đắn.
Nên nhớ “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, trẻ sẽ sớm biết được cha mẹ đang theo dõi mình và có các biện pháp đối phó. Lúc đó, việc bạn dõi theo con lại càng trở nên khó khăn hơn.
Bạn xóa Facebook hay Instagram của con, nhưng chỉ mất vài phút chúng có thể tạo ngay một tài khoản mới. Bạn cài định vị theo dõi điện thoại của con, chúng sẽ đi chơi với bạn mà không mang điện thoại hoặc cố tình để quên điện thoại ở trường…
Sự riêng tư giúp trẻ trưởng thành
Người lớn thường hay đề cao quyền riêng tư của bản thân nhưng rất ít khi để ý đến quyền riêng tư của trẻ em. Chúng ta cho trẻ ra ngủ riêng để vợ chồng có không gian riêng, nhưng lại thường vào phòng con bất thình lình mà không hề gõ cửa. Nhiều cha mẹ nghiêm cấm con không được đụng vào điện thoại của mình, nhưng lại thấy rất bình thường khi kiểm tra mọi tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại của con.
Sự riêng tư giúp trẻ tự lập, nhất là trẻ em ở độ tuổi dậy thì. Ðể dần trưởng thành, trẻ cần được cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư. Khi bạn trao cho con quyền này, đồng nghĩa với việc, quyền kiểm soát của bạn cần phải được giảm xuống.
Là cha mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng việc dõi theo trẻ. Nhưng hãy dõi theo con một cách văn minh, tinh tế để không xâm phạm quyền riêng tư của trẻ cũng như không làm tổn thương trẻ.
Nếu bạn muốn biết con đang nghĩ gì, làm gì, cách nhanh nhất là hãy hỏi trực tiếp trẻ. Nếu bạn duy trì được mối quan hệ tốt với con thì nhiều khi không cần gặng hỏi, trẻ sẽ tự tâm sự với bạn. Nhưng nếu trẻ không chịu nói gì với bạn, đừng vội đầu hàng, vì nếu bạn đầu hàng thì đứa con sẽ dần trượt khỏi vòng tay của bạn. Muốn hiểu con hơn và để con tin tưởng trao đổi mọi điều với cha mẹ, bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho trẻ, thường xuyên trò chuyện và lắng nghe con bằng cả lý trí và trái tim yêu thương.
Luật Trẻ em năm 2016, quyền riêng tư của trẻ em được quy định rất rõ ràng.
Điều 21 về “Quyền bí mật đời sống riêng tư” quy định: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.