Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hệ lụy khôn lường khi trẻ sống trong gia đình bạo lực

Trẻ em sống trong các gia đình cha mẹ thường xuyên dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần. Gia đình phải là chốn bình yên che chở cho trẻ em, để các em được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Ðể chấm dứt bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, phải bắt đầu từ chính các bậc phụ huynh.

Bạo lực gia đình để lại những tổn thương tâm lý nặng nề ở trẻ em.

Bạo lực gia đình để lại những tổn thương tâm lý nặng nề ở trẻ em.

Khi con trẻ là đối tượng bị bạo lực

Theo kết quả điều tra về bạo lực gia đình năm 2019 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, 69% trẻ em cho biết từng bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức bạo lực và cũng có 31,6% cha mẹ thừa nhận họ xử phạt con bằng hình thức trên.

Còn theo báo cáo của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (72,84%), tăng 5,3% so với năm 2020.

Có hàng ngàn lý do để các bậc cha mẹ biện minh cho hành vi bạo lực này: con học không giỏi: đánh; con nghịch ngợm: đánh; con khóc to quá: đánh; con không chịu ăn cơm cũng đánh… Chỉ cần trẻ làm không đúng ý cha mẹ là ngay lập tức chúng có thể bị “ăn” đòn.

Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và Luật Phòng chống bạo lực gia đình đều không cho phép cha mẹ hành hạ, ngược đãi và đánh đập con cái. Những hành vi bạo lực này gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Nhưng hầu hết trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đều ít nhiều từng bị cha mẹ bạo lực về thể xác cũng như tinh thần. Trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng yếu thế, khi bị đánh mắng, trẻ không biết nói với ai để được giúp đỡ. Nhiều trường hợp chỉ khi trẻ bị cha/mẹ đánh phải nhập viện, thậm chí là tử vong thì báo chí và dư luận xã hội mới biết.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh/ thành, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015: 19.274 vụ, năm 2021: 4.967 vụ. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP. Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.

Vết thương khó lành với trẻ em

Theo UNICEF Việt Nam, mọi hình thức bạo lực đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.

Bị bạo lực khiến trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường, trẻ có thể còi cọc, chậm lớn, hay đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nước da tái, môi nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn hoặc hung dữ...

Về tinh thần, trẻ dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài.

Trẻ bị bạo lực thường tự ti, rụt rè, luôn trong trạng thái hoảng hốt, lo sợ. Khi bị bạo lực thường xuyên sẽ khiến trẻ có những rối loạn hành vi và ứng xử. Trẻ có thể thu mình lại hoặc trở nên hung dữ, bạo lực.

Ngoài việc bị bạo lực thì việc chứng kiến cha mẹ bạo lực nhau cũng là một hình thức bạo lực tinh thần trẻ em. Những hành vi bạo lực, những lời nói tiêu cực của bố mẹ dành cho nhau sẽ khiến cho trẻ sợ hãi và bất an.

Mọi hình thức bạo lực đều có thể gây hại cho trẻ em. Ảnh minh họa

Mọi hình thức bạo lực đều có thể gây hại cho trẻ em. Ảnh minh họa

Mặt khác, việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ đánh mắng, cãi vã để giải quyết mâu thuẫn sẽ khiến trẻ tin rằng sử dụng bạo lực, chửi mắng là cách để giải quyết vấn đề trẻ sẽ học theo cha mẹ. Rất có thể, trẻ sẽ có những hành vi tương tự như thế với bạn bè, ở trường học.

Trong những gia đình các cặp vợ chồng thường xuyên bạo lực nhau, trẻ thường ít được quan tâm hoặc được quan tâm không đầy đủ. Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các cặp vợ chồng ly hôn, và tất nhiên, chính những đứa trẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề nhất.

Sống trong môi trường gia đình không lành mạnh, bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực, dễ khiến cho trẻ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình. Thậm chí, trẻ có thể trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi sai trái.

Làm thế nào để chấm dứt bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em?

Để chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em, Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội cần tăng cường giáo dục kỹ năng làm cha mẹ. Đồng thời, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội để hỗ trợ các gia đình giải quyết các yếu tố dẫn đến nguy cơ bạo lực đối với trẻ em. Các hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn tại cộng đồng; tư vấn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý... cần được phổ biến tăng cường hơn nữa.

Không thể coi việc đánh mắng trẻ em là việc riêng của gia đình. Họ hàng, láng giềng, cộng đồng khi nhìn thấy hoặc nghe thấy về các vụ bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em cần lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ trẻ. Trẻ em khi có dấu hiệu bị bạo lực gia đình cần được cơ quan chính quyền và cộng đồng can thiệp và hỗ trợ kịp thời về cả thể chất lẫn tâm lý.

Tiếng nói từ các đại biểu quốc hội, các tổ chức xã hội, đặc biệt là báo chí, truyền thông về vấn đề này cũng cần phải mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực trẻ em.

Nhưng quan trọng hơn cả, để chấm dứt bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em trong gia đình, phải bắt đầu từ chính các bậc cha mẹ. Thay đổi nhận thức sẽ góp phần thay đổi hành vi.

Để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực gia đình, ngày 14/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với một số nội dung hướng tới nạn nhân là trẻ em như: Ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên yếu thế trong gia đình (phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em…); Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

z3925472614771_bed72b6de9a3108bfd017c7391087789