Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hệ lụy từ các công trình thủy điện ở Tây Nguyên

Nhận được dự án, các chủ đầu tư nhanh chóng lập bản thiết kế quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường, tiến hành bồi thường để giải phóng mặt bằng và rầm rộ khởi công công trình. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, nhiều dự án đã trở thành dự án... treo

Bài 2: Môi trường bị tác động nghiêm trọng

Rừng xanh kêu cứu!

Hơn hai tháng trước, chúng tôi đến vị trí làm thủy điện Đrăng Phốk, công trình thủy điện có công suất 28MW, đã được tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - TECCO (TPHồ Chí Minh) xây dựng, tại tiểu khu 430, 431 và 451, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Yok Đôn. Từ bến cá Ông Lại nơi ngăn đập thủy điện nhìn ra xung quanh, đâu đâu cũng thấy những cây bằng lăng cổ thụ có chu vi hai người ôm không xuể. Bên kia sông Srêpốk, rừng cây cổ thụ dày đặc, sum suê hơn và trải dài xanh thẳm theo dòng sông. Nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tính đa dạng sinh học khu vực rừng này rất phong phú.

                                                      Rừng bị lâm tặc ngang nhiên tàn phá

Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết: Với diện tích 115.000ha, nơi đây rất giàu về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Vì thế, khi chuyển đổi rừng đặc dụng ở vùng lõi làm thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Vườn quốc gia Yok Đôn. Nếu dự án nhà máy thủy điện Đrăng Phốk thực hiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sau khi nhà máy vận hành, nước hồ dâng, nếu quản lý không tốt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc vận chuyển lâm sản bằng đường thủy. Ngoài ra, trong quá trình thi công sẽ nổ mìn, phá đá gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn sẽ làm động vật hoang dã (như voi, bò tót...) bỏ đi nơi khác. Đặc biệt, khi nhà máy chặn dòng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc di cư, sinh sản, môi trường sống của các loài thủy sinh trên dòng sông Srêpốk. Trước thực trạng này, tại hội thảo tham vấn về việc xây dựng thủy điện này, được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột vào ngày 23/3/2016 vừa qua, hầu hết các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đều phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk.

Dự án bỏ hoang

Dự án Thủy điện Đắk Mi 1 với công suất 49MW, ở xã Đăk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Quang Đức – Kon Tum triển khai từ năm 2009, đã tiến hành bồi thường vùng dân bị ảnh hưởng từ năm 2013. Theo thiết kế, dự án có 15 hộ dân nằm trong vùng ngập do tích nước thủy điện phải di dời, 269ha đất sản xuất và hơn 100 hộ của 5 thôn của xã Đắk Choong bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện. Ngày khởi công công trình, Công ty cổ phần Quang Đức- Kon Tum đã triển khai một cách rầm rộ, để khẳng định sự quyết tâm thực hiện dự án. Những cánh rừng bạt ngàn trên thượng nguồn Kon Tum bị triệt hạ trọc lóc, nhiều thân gỗ  bị cắt khúc, đốn hạ ngổn ngang. Thế nhưng đến nay, sau gần 7 năm chủ đầu tư công trình thủy điện này mới chỉ triển khai thi công được khu phụ trợ và nhà quản lý, vận hành, đường phục vụ thi công. Tất cả các hạng mục khác đều dậm chân tại chỗ. Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Kon Tum, lý do chậm trễ dự án Thủy điện Đắk Mi 1 là do chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế từ 49MW lên 84MW.

                            Đã nhiều năm khởi công, công trình thủy điện vẫn dang dở chưa ai biết khi nào hoàn thành

Nhiều năm qua, đất đai người dân đã nhường lại cho dự án thủy điện, việc triển khai thi công bị dở dang đã đẩy hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Choong sống trong thấp thỏm lo âu, không dám đầu tư sản xuất, nhà cửa tạm bợ vì chờ tái định canh, định cư. Trưởng thôn Kon Năng A Chép cho biết: “Cây cối hoa màu thì họ đền bù rồi, nhưng đất tái định canh thì không có, đất tái định cư đến giờ vẫn chưa san ủi mặt bằng. Cứ kéo dài như thế này dân chúng tôi không biết phải sống như thế nào?”

Quyết liệt cắt giảm

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có tới gần 100 công trình thủy điện lớn nhỏ, chằng chịt trên khắp các dòng sông, con suối, trong đó tỉnh quản lý 41 thủy điện vừa và nhỏ, còn số thủy điện lớn do Trung ương quản lý. Trong số 41 thủy điện tỉnh đang quản lý chỉ có 15 công trình thủy điện đã hoàn thành đóng điện, số còn lại đang đầu tư, điều chỉnh quy hoạch hoặc chưa triển khai. Ngoài 41 thủy điện đang quản lý, tỉnh này cũng đã thu hồi, loại bỏ quy hoạch 47 dự án thủy điện vừa và nhỏ vì nhiều lý do.

Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai cũng có 76 dự án, công trình thủy điện đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống của người dân. Nhiều năm người dân vác đơn kêu cứu, địa phương này đã phải loại khỏi quy hoạch 17 dự án, với tổng công suất 44,65MW, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương tỉnh Gia Lai) Nguyễn Tấn Hữu cho biết: “Trước thực trạng nóng về thủy điện, năm nay tỉnh Gia Lai cũng tiếp tục kiến nghị loại khỏi quy hoạch 7 dự án thủy điện nhỏ tổng cộng 20MW, hiệu quả kinh tế kém nhưng ảnh hưởng tác động môi trường lớn”.

Loại bỏ các dự án kém hoặc ít hiệu quả, nhưng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, môi trường sinh thái ở Tây Nguyên là điều cần thiết hiện nay để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đó cũng thực sự là điều mà người dân mong muốn, cũng giống như con người phải cắt bỏ cái ung nhọt trên cơ thể để tránh gây ra những căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa.

“Mặt trái của thủy điện đã tác động đến môi trường, làm ngập, phá hủy nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư và đặc biệt là thu hẹp không gian sống của đồng bào thiểu số tại chỗ. Chỉ tính riêng với 25 công trình thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã chiếm dụng gần 70.000ha đất, ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân, trong đó có gần 7.000 hộ phải di dời đến nơi ở khác, kéo theo nhiều hệ lụy về cuộc sống dân sinh bất ổn...”.

(Theo lời của nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng)