Khi cha mẹ không đủ tình yêu cho con
Liên tiếp những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em gây rung động xã hội thời gian qua cho thấy, trẻ em hiện nay đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ từ trong nhà, trường học và nơi công cộng. Từ vụ cháu bé 8 tuổi ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành đến chết, cho đến vụ cháu bé 3 tuổi bị chồng hờ của mẹ đóng đinh vào đầu ở Thạch Thất, hay vụ bố đẻ hiếp dâm con gái ruột, con riêng của vợ ở một số tỉnh, thành luôn là nỗi đau và gây ám ảnh cho nhiều người.
Khi vụ việc xảy ra, nhiều người tự hỏi: Là con người, là cha mẹ, mà sao họ ác thế…? Khi còn bé, họ có được cha mẹ yêu thương không, có bị cha mẹ đánh đập, lạm dụng không mà giờ đi hành hạ mấy đứa nhỏ như để trả thù đời…?!
Dù vẫn còn nhiều điều phải làm rõ về động cơ gây án, nhưng những hành vi tàn ác của “bố hờ, mẹ kế” cũng cho thấy, khi cha mẹ đẻ không đủ lòng yêu thương, sự quan tâm đúng nghĩa để nuôi dạy con thì việc trông chờ và giao phó con mình cho người không có quan hệ máu mủ là điều khá rủi ro, đó là chưa kể đến sự tiếp tay của chính họ trong các vụ việc trẻ bị bạo hành.
Và dù những vụ việc trên chỉ là cá biệt, nhưng nó lại phản ánh chân thực một góc tối của những cuộc hôn nhân, mà ở đó, sự ích kỷ và sân hận đã dẫn họ đến những hành vi tàn độc khi hành hạ những đứa trẻ chỉ vì chúng là một phần của quá khứ đổ vỡ.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cũng cho thấy, có rất nhiều những ông bố dượng, mẹ kế đã cùng chung sức nuôi dạy, vun đắp cho ngôi nhà mới trở nên hoàn thiện và cá nhân họ luôn nhận được sự tin tưởng của những người con riêng của chồng/vợ. Khi có đủ tình yêu, sẽ có những câu chuyện đẹp, gây xúc động khi người mẹ kế đi bán hàng rong để nuôi dạy con chồng vào đại học, hay người cha dượng chấp nhận sống trong ống cống nhiều năm để tiết kiệm thuê nhà, nuôi con riêng của vợ thành thủ khoa là những minh chứng cho điều đó.
Khi tình yêu “lạc lối”
Không có tình yêu từ cha mẹ, trẻ dễ bị tổn thương về tâm lý cùng nhiều nguy cơ khác. Tuy nhiên, việc “nghĩ” cho con quá nhiều vì lo lắng, quan tâm cũng mang đến nhiều hệ lụy không nhỏ.
Vẫn biết, việc dạy dỗ con cái luôn cần nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và sự hiểu biết. Nhưng sự kỳ vọng thái quá, vô tình đã biến những ông bố, bà mẹ trở nên độc đoán khi đưa ra những quyết định “vì mình” hơn là vì con. Những khoá học “Trở thành thần đồng” hay danh hiệu “Trường chuyên, lớp chọn” đã đẩy những đứa trẻ đến ngưỡng của tuyệt vọng khi bị ép buộc học tập không ngưng nghỉ. Nhiều sở thích cá nhân trẻ yêu thích bị dẹp bỏ để phục vụ mục tiêu “đừng làm bố mẹ buồn”.
Ðó là chưa kể đến việc nhiều bậc cha mẹ có quan điểm không “cho roi cho vọt” thì làm sao dạy con ngoan ngoãn và biết nghe lời? Cũng từ quan điểm này, nhiều hình thức dạy bảo hà khắc đã được cha mẹ áp dụng bất chấp năng lực, sức khỏe và sở thích của con.
Trong vài năm gần đây, đã có những sự việc đau lòng xảy ra khi các em bị trầm cảm và tự tử khi bị ép buộc làm theo nguyện vọng, ước mơ của bố mẹ chứ không phải vì sở thích của mình.
Trẻ em vốn được xem là không có khả năng tự vệ, non nớt về nhận thức và yếu ớt về thể lực thì việc dạy dỗ đi kèm với bạo lực chắc chắn sẽ gây nhiều tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, điều này đã vi phạm quyền được bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, các hành vi mang tính bạo lực của cha mẹ với trẻ em vẫn âm thầm xảy ra hàng ngày. Nhẹ thì là những câu nói thiếu tôn trọng, hơn chút nữa thì quát tháo, đay nghiến, và nặng nề hơn thì là những lời mắng chửi, xúc phạm, thậm chí đòn roi…
Nguy hại là ở chỗ, khi cha mẹ cho rằng việc mắng mỏ là bình thường, thì con trẻ lại luôn cảm thấy bị tổn thương. Ðến một thời điểm nào đó, sự ám ảnh về “vị thế” không được tôn trọng sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy mọi bất hòa trong gia đình, việc cha mẹ cãi nhau là do lỗi của mình. Vì thế khi bị bạo hành, trẻ thường có xu hướng im lặng, chịu đựng, lo sợ mình tiếp tục là nguyên nhân gây thêm xung đột trong gia đình. Ðó cũng là lý do khiến nhiều vụ trẻ bị bạo hành trong thời gian qua chậm được phát hiện. Ngoài ra, khi trẻ là nạn nhân thường xuyên của các hành vi bạo lực, sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức về hành vi ngược đãi đối với những người khác và nó có thể bùng phát khi có điều kiện.
Ở nhiều góc độ, những vụ việc ngược đãi, xâm hại trẻ em thời gian qua đã cho thấy sự phức tạp và khó khăn trong công tác nuôi dạy và bảo vệ trẻ em trước những biến cố không mong muốn.
Dù cha mẹ thiếu tình yêu, sự quan tâm hay cha mẹ dành tất cả tâm huyết cho con nhưng theo cách “mù quáng” đều mang lại những hệ lụy không nhỏ.
Yêu thương, chăm sóc và giáo dục trẻ đúng cách cần dựa trên những phẩm chất sự đam mê vốn có của trẻ. Bảo vệ trẻ em, hay định hướng nghề nghiệp tương lai cho con thì cha mẹ cũng cần có sự tôn trọng ý kiến của con, để con được tự lựa chọn, phát huy và theo đuổi ước mơ, hoài bão của chính mình.