Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội – Điểm tựa của các đối tượng yếu thế

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo, khoảng 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý, nhiều gia đình có bạo lực và bạo hành ở các cấp độ khác nhau. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt). 
 
Để trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh đặc biệt, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh Chương trình xóa đói giảm nghèo, Đảng và Nhà nước tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách an sinh xã hội, trong đó có: Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma tuý; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 1215/2011/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1019/2012/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/04/2015 phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025, Quyết định số 1781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11/2012 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, Quyết định số 1364/QĐ-LĐTBXH ngày 02/10/2012 về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020… cùng nhiều chính sách, chương trình trợ giúp khác.


Các đối tượng người khuyết tật luôn nhận được quan tâm, trợ giúp chu đáo.
 
Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình đề án của Bộ, Chính phủ và Quốc hội, các địa phương cũng đã chủ động trong xây dựng ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện, bổ sung quy định chế độ chính sách, giải pháp đặc thù của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đầy đủ của hệ thống chính sách, vừa bảo đảm tính toàn diện trong tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội. 
 
Hệ thống pháp luật, chính sách xã hội, các chương trình, đề án về chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam tạo môi trường pháp lý, hành chính, xã hội cho công tác xã hội phát triển; huy động sự tham gia của cộng đồng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo trợ giúp các đối tượng.


Với hệ thống chính sách tương đối toàn diện, các đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

 Các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm  các nhu cầu cơ bản của đối tượng: về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề... Đối tượng  được trợ giúp từng bước được mở rộng đáp ứng với bức xúc của thực tế. Mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập hơn, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa, không ỷ lại vào Nhà nước nhiều hơn. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên công tác xã hội làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc - trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi.

Về trợ giúp đột xuất, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã hỗ trợ 167.749 tấn gạo cứu đói cho gần 9,5 triệu lượt khẩu (riêng năm 2019 hỗ trợ 18.850 tấn cho 1,2 triệu lượt khẩu) và mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai. Từ 2017-2020, các địa phương cũng đã vận động và huy động 9.268 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán. Công tác trợ giúp đột xuất đã được triển khai tương đối tốt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm các nguyên tắc 4 tại chỗ và các yêu cầu kịp thời, công khai, minh bạch, không để người dân cần cứu trợ mà không nhận được hỗ trợ.
 
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời, góp phần thực hiện các mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
 

An Nhiên/GĐTE