Nhanh chóng khơi thông các điểm nghẽn trong lĩnh vực thị trường lao động, việc làm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc làm là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và đối với đất nước. Việc xác định cung cầu và dự báo thị trường lao động có tác động to lớn tới sự chuyển động của hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác bám sát thông tin thị trường lao động việc làm, hướng dẫn chi trả bảo hiểm thất nghiệp và đẩy mạnh hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đánh giá cao những cố gắng của Cục Việc làm trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, Cục Việc làm đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu chính sách, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp…góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ ổn định người dân bị thất nghiệp do thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, dù sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là: Việc tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ vấn đề việc làm và lao động còn chậm, còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, quá trình thúc đẩy chuyển dịch lao động chậm so với chuyển động và độ mở của nền kinh tế.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, Cục Việc làm tập trung quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội về các chỉ tiêu lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp…"Trong đó, phải tạo ra môi trường, động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, điều quan trọng nhất là cần tập trung phát huy nhân tố lực lượng lao động, làm sao để lực lượng này trở thành mục tiêu, trung tâm và chủ thể và là nguồn lực chủ yếu để phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Việc làm cần tập trung nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động 2019; gắn với việc giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp và phát huy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu Cục Việc làm "tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm với tinh thần nhanh nhất, thông thoáng vì lợi ích người lao động; Khơi thông thị trường lao động, việc làm, giải quyết tất cả các điểm nghẽn trong năm nay; Tập trung xây dựng Dự báo cung cầu lao động (dự án ngắn hạn và trung hạn); Quản trị thị trường lao động và quản lý lao động ngoài nước…"
Về quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng đề nghị đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng hướng tới biến đây thành công cụ đúng nghĩa, phân cấp, giao quyền cho các Sở LĐ-TBXH…Việc chi sai về thu chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cần có đánh giá chi tiết, giải pháp để thu, đưa ra các phương án để xử lý…
Về vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung - cầu việc làm, Bộ trưởng đề nghị Cục Việc làm lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín tham gia, đề xuất trình lãnh đạo Bộ quyết định trong tháng 6/2021.
BH thất nghiệp - "phao" cứu sinh cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, theo tổng hợp báo cáo các địa phương, trong năm 2020, cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người. Đây là sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2020, chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị đạt 3,61%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 24,5% - không đạt chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc đào tạo, tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục, đào tạo,cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tác động đến nhu cầu tham gia khóa đào tạo của người lao động, của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Về lĩnh vực việc làm, Cục đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Nội dung về việc làm và thị trường lao động đã góp phần đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm nghìn lượt lao động, kết nối việc làm thành công cho hàng ngàn lao động.
Cục đã đẩy mạnh hỗ trợ việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi. Tính đến ngày 31/10/2020, tổng nguồn vay hỗ trợ tạo việc làm là 29.881 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, lao động nữ và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…
Trong lĩnh vực thị trường lao động, giai đoạn 2016-2020, thị trường lao động tiếp tục được tạo lập đồng bộ, khuôn khổ pháp luật, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Các chỉ tiêu thị trường lao động tiếp tục được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động, tính cạnh tranh của lực lượng lao dộng được nâng lên. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, thời gian vừa qua khi diễn ra dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò hỗ trợ, ổn định đời sống cho một lượng lớn người lao động bị thất nghiệp, giảm gánh nặng hỗ trợ chi từ ngân sách nhà nước. Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2021, số người được giới thiệu việc làm là 64.816 người, số người được hỗ trợ học nghề là 8.637; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 267.282 người.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn một số các hạn chế như: Chưa hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm; công tác dự báo dự báo thị trường lao động còn chưa tốt; đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng có quan hệ lao động.
Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, ông Vũ Trọng Bình đề nghị Lãnh đạo Bộ đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm đồng bộ, liên thông, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm có sự liên kết toàn quốc và gắn với thị trường lao động...