Các trò chơi trên các thiết bị công nghệ cầm tay ngày nay gây nghiện với trẻ nhỏ.
Bác sĩ Peter Whybrow, giám đốc Khoa học Thần kinh tại trường Đại học California, Los Angeles (Mỹ) gọi tác động gây nghiện của các trò chơi trên các thiết bị điện tử bỏ túi ngày nay, là chất “cocaine điện tử”, trong khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc dùng thuật ngữ “heroin số”.
Nhiều vị phụ huynh lầm tưởng các trò chơi trên các thiết bị này mang tính giáo dục, kích thích não bộ trẻ phát triển, mà không lường trước được việc tác động của chúng với não bộ của của trẻ không khác gì ma túy. Điều này lý giải vì sao khi các bậc phụ huynh tìm cách tách trẻ khỏi điện thoại, máy tính bảng lại bắt gặp phản ứng tiêu cực của trẻ.
Hàng trăm nghiên cứu y tế chỉ ra rằng, các thiết bị điện tử phổ biến trong đời sống ngày nay góp phần làm tăng trầm cảm, tức giận, hung hăng và thậm chí có thể dẫn đến một số đặc tính tương tự như rối loạn tâm thần, khi người chơi điện tử cảm thấy lạc lõng, mất kết nối với hiện thực.
Tiếp cận với các thiết bị số quá sớm và một khi đã bị nghiện, một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, khỏe mạnh có thể trở thành một đứa trẻ hay cáu gắt và có nguy cơ phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý.
Theo các chuyên gia, giải pháp được đưa ra là trẻ em ngày nay cần được “giải độc số”. Thay vì đam mê các trò chơi trên các thiết bị cầm tay, trẻ cần được khuyến khích tham gia các trò chơi trong thực tế, vận động ngoài trời.
Các gia đình cũng được khuyến khích tắt hết các thiết bị điện tử trong giờ ăn cơm, không cho trẻ tiếp cận các thiết bị này khi trẻ chưa được 10 tuổi. Để nâng cao tính hiệu quả, các bậc phụ huynh cũng nên thảo luận thẳng thắn với trẻ, vì sao trẻ bị hạn chế dùng các thiết bị này, để trẻ tự mình cách ly bản thân với công nghệ.