Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiểm họa lừa đảo từ chứng minh thư nhân dân

Tội phạm nước ngoài trực tiếp sang Việt Nam hoặc tìm môi giới thuê người sử dụng hàng loạt CMND để làm thẻ ATM nhằm chuyển tiền lừa đảo.

 

Cuối năm 2013, Trần Văn Tèo (ngụ TP Cần Thơ) nhận lệnh từ ông chủ người Đài Loan trở về Việt Nam xây dựng mạng lưới thu mua thẻ ghi nợ của ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Lợi dụng sơ hở của các ngân hàng trong nước, Tèo đã sử dụng nhiều CMND giả làm thẻ ngân hàng.

Hình giả trên CMND thật

Mười công nhân Việt Nam đã tiếp tay cho Tèo bằng cách mua lại CMND ở các hiệu cầm đồ, cửa khẩu và những người túng tiền. Riêng công nhân Lưu Tuấn Kiệt đã lấy 18 triệu đồng mua 30 CMND ở chợ An Đông (quận 5, TP HCM), sau đó dùng ảnh của mình và đồng phạm dán vào CMND đã thu gom để mở nhiều tài khoản ngân hàng. Với mỗi tài khoản hoạt động, người cung cấp hình được trả công 500.000 đồng.

Công việc thuận lợi, các đối tượng mua thêm nhiều CMND nhằm mở rộng quy mô làm ăn. Điển hình, Nguyễn Vĩ Nam giúp sức cho đồng bọn mua 32 CMND rồi thay ảnh của các thành viên trong nhóm vào các CMND trên. Từ chiến lợi phẩm này, bọn chúng mở 44 tài khoản ngân hàng, rút hơn 5 tỉ đồng chiếm đoạt của 31 bị hại. Nam hưởng lợi 4,8 triệu đồng.

Nhóm công nhân giúp sức cho Trần Văn Tèo hầu tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Với thủ đoạn tương tự, Lee Jung- Teng (người Đài Loan) được băng nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia thuê sang Việt Nam tìm người làm giấy CMND giả để làm thẻ ngân hàng, nhận lương 3.000 USD/tháng. Đến Việt Nam, Teng liên hệ với Trần Vĩ Minh, Dương Ngọc Bình và Thái Nghiệp Thành (đều ngụ TP HCM) để tìm người làm CMND giả. Bình nhận nhiệm vụ tìm ảnh của những người cần làm thẻ ATM rồi giao lại cho Teng. Từ Teng, Minh nhận ảnh và tìm người làm giả CMND. Chỉ trong vài ngày, Bình đã tìm được ảnh của 3 người. Teng giao lại ảnh cho Minh. Từ đó, Minh liên hệ với những đối tượng khác làm giả 14 CMND với nhiều tên khác nhau.

Các đối tượng chuyển lại CMND giả cho chủ nhân các tấm ảnh để họ đến ngân hàng làm thẻ ATM. Tất cả các đối tượng đều được Teng trả công hậu hĩnh. Chưa dừng ở đó, Teng còn giao cho Thành nhiệm vụ thuê người làm “trọn gói” bộ ATM (bao gồm CMND giả, thông tin tài khoản và sim điện thoại nhận thông tin tài khoản) với giá 160 USD/bộ thẻ. Trong 4 tháng, Thành thuê người làm giả 79 CMND, từ đó mở 197 thẻ ATM.

Ngày 23/4/2014, Lee Jung-Teng mang toàn bộ số thẻ và một số CMND giả đến điểm hẹn ở quận 5 và 6 giao lại cho đồng bọn người Trung Quốc. Trong lúc cả bọn đang tiến hành giao dịch, lực lượng CSĐT Công an TP HCM đã ập vào bắt giữ.

Tiếp tay lừa bạn bè, người thân

Vì hám lợi trước mắt, không ít người Việt Nam ngậm ngùi tra tay vào còng vì tiếp tay cho chủ mưu nước ngoài lừa đảo chính người thân, bạn bè của mình.

Năm 2014, nhận tin nhắn của bạn đề nghị cùng làm thẻ ATM bán cho người Đài Loan với giá 100 USD/thẻ, Phan Nguyễn Huy Vũ đồng ý ngay. Vũ lần tìm đến khách sạn, tiệm cầm đồ, người quét rác để mua CMND. Sau đó, Vũ mang về bóc hình rồi dán hình của người khác vào hòng qua mắt cơ quan chức năng. Mọi việc xong xuôi, Vũ liên hệ ngân hàng xin mẫu tờ khai đăng ký mở thẻ ATM và tự điền thông tin cá nhân theo thông tin trên giấy CMND đã thay ảnh, giả chữ ký rồi nộp lại cho ngân hàng. Đến ngày hẹn, Vũ ung dung cầm giấy hẹn đến ngân hàng lấy thẻ ATM. Một mình Vũ làm giả 16 CMND, mở 52 thẻ ATM tại 22 chi nhánh của 6 ngân hàng.

Do người quen móc nối, Trần Nguyễn Minh Khoa nhận làm CMND giả với giá 150.000 đồng/giấy. “Nghe nói người này làm việc cho ông chủ người Trung Quốc nên có nhiều tiền. Thấy việc đơn giản mà công lại cao nên tôi đồng ý làm” - Khoa giải thích. Vì làm nghề in, sửa ảnh nên Khoa có sẵn máy in màu, máy ép nhựa, máy vi tính, máy scan. Sau khi nhận ảnh và bản photocopy CMND, Khoa dùng máy scan và kỹ thuật vi tính tạo bản mẫu CMND giống như mẫu giấy thật rồi điền các thông tin cần thiết vào. Tiếp đó, Khoa sử dụng máy in phun màu để in CMND giả rồi dán ảnh vào.

Khoa nghĩ ra cách lấy đồng xu loại 500 đồng đóng giáp lai lên hình nhằm tạo dấu nổi rồi ép plastic. Bằng cách này, Khoa làm ra 14 CMND giả, nhận thù lao 2,1 triệu đồng. Sản phẩm được giao cho khách hàng làm thẻ trong nước hoặc chuyển thẳng sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Dương Khải Minh vì thương người bạn khó khăn nên giới thiệu bạn đến phụ việc  cho một nhóm người Việt làm thuê cho người Đài Loan. Minh còn giúp bạn chuyển ảnh và nhận tiền từ chủ. Khi sự việc bị cơ quan điều tra bóc trần, Minh mới biết nhóm người này sử dụng ảnh để làm CMND giả phục vụ cho băng nhóm tội phạm liên quan đến công nghệ ở Trung Quốc. Minh phân trần: “Tôi chỉ giúp bạn chứ không hưởng lợi gì từ việc làm phạm pháp ấy”. Thế nhưng, Minh cũng khó thoát tội vì cả tin.

 

Cảnh giác khi cung cấp thông tin trên internet

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena, thời gian gần đây, các vụ lừa đảo liên quan đến công nghệ ngày càng diễn biến phức tạp. Không chỉ cá nhân mà nhiều doanh nghiệp cũng chịu tổn thất nặng nề khi bị lừa từ việc cung cấp, tiếp nhận thông tin qua internet, điện thoại. “Ý thức phòng ngừa các hình thức lừa đảo liên quan đến công nghệ của người dân chưa cao, thậm chí còn chưa có. Hầu hết các nạn nhân đều “mất bò mới lo làm chuồng”. Người dân nên quan tâm thêm về công nghệ thông tin, pháp luật để có thêm kinh nghiệm đấu tranh, ngăn ngừa các tình huống có dấu hiệu lừa đảo” - ông Thắng khuyến cáo.