Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiểm hoạ ma túy thâm nhập học đường

(Dân sinh) - Hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy trong học đường ngày càng tăng cao gây ảnh hưởng xấu tới công tác dạy học của nhà trường nói chung, của mỗi học sinh, sinh viên nói riêng.

Ma túy gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính đến tháng 6/2020, cả nước có 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng. Tuy nhiên, số người thực tế có thể cao hơn ở 63 tỉnh thành trên cả nước.

Lo ngại hậu quả ma túy thâm nhập trong nhà trường  - Ảnh 1.

Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của ma túy ngày càng được nhà trường và phụ huynh quan tâm.

Số liệu thống kê năm 2019 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy/nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Đáng lưu ý, trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, trong đó có khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và khoảng 50% là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa chung của cả nhân loại. Không một quốc gia nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp của nó và tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút hay buôn bán ma túy gây ra. Không chỉ gây hại đối với bản thân người sử dụng và gia đình của họ, ma túy còn để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có kinh tế, an ninh và con người.

Hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch.

Bên cạnh đó, ma túy còn là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước; gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội như lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...; là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc...).

Không những thế, ma túy làm ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc; làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội; tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại. Nó còn là nguồn gốc, là điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS (một hiểm hoạ toàn cầu chưa có thuốc chữa...Hiện nay nước ta có khoảng 130.000 người nhiễm HIV/AIDS thì 75% là do tiêm chích ma tuý.

Ngoài ra, ma túy có thể gây ảnh hưởng đến giống nòi, suy yếu giống nòi. Nguyên nhân là do các chất ma tuý ảnh hưởng đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gen độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống.

Đáng lo ngại ma túy xâm nhập học đường

Trước đây, thuốc phiện và một số chất ma túy thẩm lậu vào trường học đã gây ra nhiều nỗi đau, nỗi ám ảnh của những gia đình có con em nghiện, hệ lụy đó kéo dài đến nhiều năm sau. Thời gian gần đây, vụ việc bốn học sinh THPT ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút, "nữ quái" trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại Lâm Đồng... một lần nữa khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường.

Lo ngại hậu quả ma túy thâm nhập trong nhà trường  - Ảnh 2.

Lồng ghép các buổi tuyên truyền phòng chống ma túy ở các trường học

Trên thực tế, ngày nay ma túy đa dạng hơn, sử dụng cũng đơn giản hơn rất nhiều khiến không ít học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em khó phát hiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ATS). Chúng ta dễ dàng thấy cảnh các em tuổi còn rất nhỏ hút shisha, uống "nước vui", dùng "bùa lưỡi", "khô gà"... mà không biết thực chất đang uống, hút chất gì. Nhiều loại ma túy trá hình thịnh hành trong xã hội, có nguy cơ tấn công học đường. Tuy được lưu hành ngầm, nhưng các loại ma túy trá hình này rất dễ mua, dễ sử dụng. Khi sử dụng, chúng sẽ gây ảo giác cực mạnh, gây rối loạn thị giác khiến những hình ảnh thật trở nên méo mó, nhầm lẫn về kích thước, màu sắc, khoảng cách; nhịp tim, huyết áp rối loạn, thân nhiệt thất thường…

Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hằng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau mà cả các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng không thể tìm ra hết. Độc tính của ma túy phá hoại trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim… như người nghiện lâu năm.

Đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy trong học đường ngày càng tăng cao gây ảnh hưởng xấu tới công tác dạy học của nhà trường nói chung, của mỗi học sinh, sinh viên nói riêng. Học sinh nghiện ma túy không chỉ khiến sức khỏe của các em suy giảm, việc học của các em gián đoạn mà còn có thể tác động không tốt tới bạn bè và những người xung quanh.

Lo ngại hậu quả ma túy thâm nhập trong nhà trường  - Ảnh 3.

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để tiến tới đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng. Hệ lụy do ma túy mang lại vẫn đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình khi con cái phải sống cảnh không cha, không mẹ, vợ xa chồng, cha mẹ già không có người chăm sóc.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần đẩy mạnh sự phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể để vừa tuyên truyền, vừa giám sát các em học sinh, tránh để các em giao du với những đối tượng xấu, kịp thời phát hiện những trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện nghiện ma túy.