Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Hiểm họa từ chó thả rông

(Dân sinh) - Liên tiếp những ngày gần đây, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó thả rông, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi, nhiều chủ nuôi chó cũng chưa có ý thức với cộng đồng trước hiểm họa mà loài vật này gây ra…

Ngày 21/5, tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) hai con chó pitbull 30 kg và 52 kg bất ngờ tấn công làm một người đàn ông tử vong, người chủ vào can ngăn cũng bị chính con chó mình nuôi cắn xé và bị thương rất nặng.

Chỉ vài ngày sau, ngày 28/5, một cháu bé tại Khánh Hòa tiếp tục bị chó pitbull cắn phải nhập viện. May mắn cho cháu bé là người bố đã liều mình lao vào để cứu con. Anh Trương Hoàng Hải (ngụ tại A8, nhà số 5, khu tập thể Bình Khê, phường Phước Tân, TP Nha Trang, Khánh Hòa)  sau đó đã kể lại giây phút kinh hoàng khi đưa tay vào giữa hàm răng nhọn hoắt của con chó để cứu con

"Vừa đến khúc cua để vào nhà, tôi thấy con chó nhà hàng xóm đứng phục sẵn. Đây là con chó màu xám đen rất hung dữ, nặng khoảng 30kg, cao gần nửa người tôi. Khi xe tôi vừa ôm cua, con chó nhảy xổ lên cắn vào chân bé Khôi khiến hai cha con tôi ngã nhào, xe đổ về bên trái, con chó dữ tợn vẫn ngậm chặt chân của bé Khôi, hai chân trước cào cấu phần bả vai cháu. Thấy con khóc thét, lại bị con chó dữ cắn không buông, tôi liền lấy tay thọc vào miệng chó cố tách hai hàm răng của nó ra vì tôi sợ chỉ chậm vài giây thôi là chân con tôi sẽ bị nó cắn nát. Vừa tách tôi vừa tri hô mọi người. Khi chủ chó chạy ra đánh và ôm con chó lại, nó mới chịu nhả ra. Vừa mới tách ra, nó lại nhảy chồm lên định cắn lần hai, tôi hoảng quá ôm con chạy thật nhanh ra sau, để chủ chó xích cổ nó lại" .

Hiểm họa từ chó thả rông - Ảnh 1.

Chó không rọ mõm vẫn vô tư chạy nhảy, phóng uế trong công viên

Thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó thả rông, trong đó có thể kể đến vụ cháu bé 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên bị đàn chó thả rông của gia đình hàng xóm lao vào cắn dẫn đến tử vong. Một bé trai 7 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên, cũng bị chó thả rông của hàng xóm cắn, cháu bé cũng không thể qua khỏi vì vết thương quá nặng,  hay vụ thầy giáo 46 tuổi ở huyện Yên Thành, Nghệ An phát bệnh dại và tử vong do bị chó cắn mà không đi tiêm phòng…Tình trạng chó cắn người cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã xảy ra tình trạng chó dại cắn người tập thể gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân thời gian qua…

Nghị định 90 năm 2017 đã quy định rất rõ về việc xử lý chủ vật nuôi khi thả rông chó tại nơi công cộng. Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự. Nghị định còn quy định, chó thả rông bị bắt, sau 72 giờ, nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy.

Tuy vậy trên thực tế, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Ở một số nước, việc thả rông vật nuôi và gia súc, gia cầm bị cấm tuyệt đối. Nếu vi phạm, chủ vật nuôi không những bị phạt tiền, phạt tù rất nặng mà còn có thể bị cấm không được nuôi vật nuôi đó vĩnh viễn. Còn ở nước ta việc sở hữu chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng và hầu như không qua đăng ký hay khai báo. Hiện nay có nhiều quy định về chăn nuôi chó, mèo như quy định trong Luật Chăn nuôi, một số nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, khi muốn nuôi động vật như chó, mèo, người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi thường xuyên xích, nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm; phải được tiêm phòng hằng năm...  

Có thể thấy, chế tài xử phạt về vi phạm đã có. Nhưng dường như người dân cũng như chính quyền các địa phương đều lơ là các quy định về quản lý, tiêm phòng động vật nuôi. Chính vì sự nguy hiểm của nạn chó thả rông như hiện nay ở nước ta, đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm các hộ gia đình thả rông chó ra đường, không thực hiện đăng ký và tiêm phòng đúng quy định. Ðồng thời thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, bắt hết chó thả rông chạy ngoài đường. Có như vậy mới bảo đảm được an toàn cho người đi đường cũng như hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.