Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiểm họa từ thức ăn đường phố

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việc hơn 550 người ở Đồng Nai nhập viện do ngộ độc bánh mì thịt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với thức ăn đường phố.

 “Lỗ hổng” trong quản lý an toàn thực phẩm

Liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, ngày 4/5, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, các bệnh viện đã ghi nhận tổng cộng 555 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tại TP Long Khánh. Trong đó, 12 ca bệnh nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 1 trường hợp được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong số 12 bệnh nhi có 2 ca tiên lượng rất nặng, đang lọc máu và điều trị tích cực; 2 ca nặng. Hiện bệnh viện tiếp tục hội chẩn phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho các bệnh nhi.

Hiểm họa từ thức ăn đường phố - 1
Bệnh nhi có tiên lượng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) do ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai.

Theo cơ quan chức năng, tiệm bánh mì Băng (tiệm bánh mì gây ngộ độc) trên đường Trần Quang Diệu (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi sáng chiều). Trong ngày 30/4 (ngày diễn ra vụ ngộ độc), quán bán hơn 1.100 ổ bánh mỳ.

Kết quả kiểm tra ban đầu, tiệm bánh mì Băng bán bánh mỳ thịt gồm: Bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương).

Cũng trong tuần qua, ngày 2/5, tại TPHCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 16 học sinh thuộc 4 trường tiểu học: Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, Nguyễn Văn Trỗi và Lương Thế Vinh. Các học sinh trong nhóm 7 - 11 tuổi được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Theo lời kể của phụ huynh, sáng 2/5, tất cả trẻ đều ăn cơm cuộn (sushi) mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2,5 - 3 giờ, các cháu lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ tiêu chảy...

Liên tiếp vụ ngộ độc thực phẩm với số nạn nhân rất lớn diễn ra trong tuần qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với thức ăn đường phố.

Dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Long Khánh, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Băng vi phạm nhiều quy định về an toàn thực phẩm như: Không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4 người nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, các đoàn liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. Tuy nhiên, các điểm bán không cố định, đặc biệt là các xe đẩy hay gánh hàng rong di động, luôn là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thừa nhận, vụ việc xảy ra với số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “lỗ hổng” trong công tác quản lý trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đang phối hợp các địa phương rà soát và nghiêm túc, chấn chỉnh các hàng quán không đảm bảo điều kiện, yêu cầu.

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, đầu mùa hè thường là cao điểm xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do chuyển mùa và thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay khí hậu rất khắc nghiệt. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố, người sản xuất thức ăn cần lưu ý đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến và bảo quản đúng cách. Trong trường hợp không bán ngay, thức ăn chế biến ra phải luôn được giữ ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn.

“Người tiêu dùng phải lựa chọn cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân cũng nên hạn chế mua tại các quầy bán hàng rong, ngoài đường phố”, ông Long khuyến cáo.

Yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Công điện nêu rõ thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều. Riêng năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ, làm trên 2.100 người mắc và 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, ngộ độc rượu; thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý;

Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

               Duy Anh

  Báo Lao động Xã hội số 55