Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Và dựa trên các bằng chứng về mặt khoa học, chúng ta lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án luật cũng có ý kiến về việc nếu hiến máu tình nguyện mà không đủ máu sao không đặt vấn đề hiến máu bắt buộc? Vì vậy vấn đề hiến máu bắt buộc được đưa ra để bàn, từ đó khẳng định hiến máu tình nguyện là giải pháp tối ưu nhất mà Bộ Y tế lựa chọn. “Đấy là một tình huống mang tính giả định. Khi xây dựng một dự luật bao giờ cũng phải đánh giá tác động về chính sách nên phải chọn ra vài vấn đề nhạy cảm để cùng bàn luận cả về khía cạnh pháp luật, yếu tố đạo đức, truyền thống văn hóa… Vấn đề hiến máu bắt buộc là một ví dụ và khi đưa ra thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau…”- ông Quang nhấn mạnh,
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế) đính chính lại thông tin bắt buộc hiến máu
Cũng theo ông Quang, nếu hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc thì xét về khía cạnh quyền con người, sẽ không ổn. Tham khảo luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc. Nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này.
Theo Bộ Y tế, việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh. Đến năm 2016, phong trào hiến máu đã có chuyển biến cả về lượng và chất, cả nước tiếp nhận khoảng 1,5 triệu đơn vị máu (tăng 14 lần), nguồn máu chuyển sang chủ yếu lấy từ người hiến máu tình nguyện (khoảng 97%) thay vì lấy từ người bán máu chuyên nghiệp. Nhờ vậy đã cơ bản khắc phục tình hình thiếu máu vào dịp tết và mùa Hè.
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2016, toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu. Khi đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân. Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện thì có đạt được 2% dân số tham gia hiến máu, đáp ứng nhu cầu điều trị.