Tranh vẽ mô tả hiện tượng bóng đè trong sách "My dream, my bad dream" năm 1915 của |
"Tôi tỉnh giấc trên giường. Có hai người lạ mặt trong góc phòng. Tôi không thể nhìn thấy họ nhưng biết rõ là họ ở đó và họ trông như thế nào. Tôi có thể nghe thấy họ rì rầm trò chuyện, câu chuyện xoay quanh chủ đề giết người. Tôi không tài nào cử động được. Bỗng có một tên tiến tới, ngay phía trên tôi. Hắn nhổ bãi nước bọt trúng ngay hốc mắt đang nhắm nghiền của tôi. Tôi có thể cảm nhận được rõ ràng bãi nước nhơn nhớt đó đang chảy trên mặt", một người tham gia dự án nghiên cứu hiện tượng bóng đè mô tả.
Theo IBTimes, đoạn mô tả nghe như trong phim này thực chất là trải nghiệm hoàn toàn có thật của người tham gia dự án nghiên cứu về tình trạng tê liệt trong giấc ngủ, hay còn gọi là bóng đè. Đó là một trạng thái bất thường khiến con người tỉnh giấc vào ban đêm nhưng không thể cử động chân tay, và thường xuyên cảm nhận được rất nhiều cung bậc ảo giác lạ kỳ đáng sợ.
Ảo giác và nguy cơ
Tình trạng tê liệt trong giấc ngủ thường xảy ra vào đầu buổi đêm, khi bắt đầu giấc ngủ, hoặc cuối buổi đêm, khi chuẩn bị tỉnh giấc. Khi người bị bóng đè, ảo giác xuất hiện có thể sinh ra nhiều trải nghiệm đáng sợ. Có thể phân loại ảo giác theo ba nhóm.
Ảo giác đột nhập là cảm giác về sự xuất hiện của kẻ xấu ở trong phòng, đôi khi biến thành những ảo giác đa giác quan siêu thực về một kẻ đột nhập thực sự. Ảo giác bóng đè, thường xuất hiện đồng thời với ảo giác đột nhập, là cảm giác bị đè nặng trên lồng ngực và bị bóp nghẹt đến tắc thở. Loại thứ ba là những ảo giác liên quan đến rối loạn tiền đình, không mấy khi xuất hiện cùng hai loại ảo giác trên, mang đến cảm tưởng về những trải nghiệm vận động ảo như cảm giác trôi nổi, rơi tự do vô định.
Bóng đè là hiện tượng phổ biến được ghi nhận từ rất lâu, trong hầu hết mọi nền văn hóa từ cổ chí kim. Hiện tượng này được người Trung Quốc ghi chép trong các câu chuyện dã sử cách đây hơn 3.000 năm, thậm chí, bóng đè còn hiện diện trong bức tranh từ thời Phục hưng của họa sĩ người Thụy Sĩ Henry Fuseli năm 1781.
Tại Anh, trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 8 trên tạp chí Giấc ngủ của tác giả Dan Dennis, Đại học Sheffield, 30% trong số 862 người được hỏi nói rằng họ đã đã trải qua trạng thái bóng đè ít nhất một lần trong đời. Khoảng 8% trong số đó nói rằng họ thường xuyên bị hiện tượng này khi ngủ. Tổng hợp có hệ thống từ hơn 30 công trình nghiên cứu trên khắp thế giới chỉ ra rằng 10% dân số gặp phải tình trạng bóng đè trong giấc ngủ.
Bóng đè là triệu chứng thông thường của chứng ngủ rũ, một bệnh về rối loạn giấc ngủ do khả năng điều tiết vòng tuần hoàn thức-ngủ bình thường của bộ não bị ngắt quãng. Bóng đè cũng là triệu chứng chung của một số bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là những trường hợp tâm thần sau chấn thương tâm lý và bệnh nhân mắc chứng tâm thần hoảng loạn.
Nhân tố
Không ít người cũng bị bóng đè mà không liên quan gì đến bệnh tâm thần hay các triệu chứng thần kinh. Nghiên cứu của Dan Dennis cho thấy nhân tố hàng đầu có nguy cơ gây ra tình trạng bóng đè là do căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo lắng hay bế tắc trong cuộc sống.
Ngay cả chất lượng giấc ngủ cũng có tác động không nhỏ đến việc người bệnh phải chịu đựng hiện tượng bóng đè. Nghiên cứu trên nhóm người có giấc ngủ bất bình thường hay bị ngắt quãng khi làm công việc trực ca đêm cho thấy nguy cơ gặp phải hiện tượng bóng đè là khá cao.
Khi xem xét vai trò của di truyền học, bằng cách so sánh tần suất gặp hiện tượng bóng đè ở các cặp song sinh cùng trứng với các cặp song sinh khác trứng, các nhà khoa học tìm ra sự liên hệ của gene di truyền với hiện tượng bóng đè. Thậm chí, sự biến đổi của một gene đặc biệt liên quan đến chu trình thức-ngủ của con người cũng gây nên tình trạng bóng đè, mặc dù điều này còn chưa được khẳng định chắc chắn.
Ngay cả giấc ngủ tưởng như bình thường cũng có nhiều giai đoạn khác nhau, được thể hiện trong hình vẽ sau:
Giai đoạn của giấc ngủ. Ảnh: Dan Dennis |
Từ trạng thái tỉnh, con người trải qua ba giai đoạn đến khi ngủ say, tức là mức sâu nhất của trạng thái vô thức (non-REM). Khi quay trở lại giai đoạn 1 của giấc ngủ, con người tiến tới trạng thái REM (rapid eye movement - cử động mắt nhanh) của giấc ngủ.
Trong khi REM diễn ra, các hóa chất não bắt đầu phát huy tác dụng, hoạt động của não vô cùng sôi động, và các giấc mơ đạt mức cao trào. Tuy nhiên, các cơ chủ động của cơ thể, từ tay, chân, ngón tay, bất cứ phần cơ nào được kiểm soát khi thức (ngoại trừ mắt và hệ hô hấp), đều bị tê liệt. Trạng thái này giúp giữ con người nằm yên trong khi não ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị nhất. Đó cũng là lý do một số người đôi khi trải qua cảm giác bị bất động khi ngủ, hay khi đã thức giấc rồi nhưng các cơ vẫn trong tình trạng đông cứng.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Viện khoa học thần kinh Tokyo Metropolitan năm 2012, họ thí nghiệm loại bỏ một cách có hệ thống từng thành phần của giấc ngủ tiến tới trạng thái REM.
Theo đó, nếu làm gián đoạn có mức độ các chu kỳ của REM, giấc ngủ con người có thể đạt đến trạng thái REM-khởi phát đột ngột (sudden-onset REM viết tắt là SOREM). Đó là trạng thái khi con người đi thẳng từ tình trạng thức vào giấc ngủ có trạng thái REM bỏ qua một số giai đoạn khác của giấc ngủ (điều này được biểu thị bởi đường đứt quãng trên sơ đồ).
Ngay sau đạt tới trạng thái SOREM, những người tham gia thử nghiệm trải qua tình trạng tương tự hiện tượng bóng đè – củng cố thêm ý kiến từ những nghiên cứu trước đây cho rằng giấc ngủ bị ngắt quãng làm tăng nguy cơ dẫn tới tình trạng bóng đè trong giấc ngủ.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hiện tượng bóng đè có liên hệ gần với giấc ngủ có trạng thái REM. Những gì dường như xảy ra trong lúc bị bóng đè là một phần bộ não thức dậy, hoàn toàn tỉnh táo nhận thức mọi vật xung quanh, trong khi một phần khác của não bộ, như vùng chỉ huy hệ thần kinh vận động, vẫn ở trong giấc ngủ có trạng thái REM khiến cho hầu hết cơ vận động của cơ thể bị tê liệt. Nói cách khác, tâm trí có ý thức đã hoàn toàn tỉnh táo nhưng cơ thể thì không.
Các ghi chép thu nhận về hoạt động của não bộ trong quá trình bị bóng đè, chỉ ra giai đoạn đó là trạng thái độc đáo duy nhất không trùng lắp của nhận thức. Sơ đồ điện não của quá trình bị bóng đè có hình dạng hoàn toàn khác biệt với sơ đồ điện não của tình trạng thức, hoặc ngay cả giấc ngủ có trạng thái REM.
Chữa trị
Bóng đè là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ không thực tổn, tức là không gây tổn thương đến cơ thể, nhưng nếu liên tục rơi vào tình trạng này có thể dẫn đến những nguy hại với sức khỏe như suy nhược thần kinh, mệt mỏi, tâm trạng bất ổn.
Không may là đến nay vẫn chưa có phương thuốc chữa trị hữu hiệu cho tình trạng tê liệt trong giấc ngủ, ngoại trừ một vài trường hợp có phản ứng tốt với thuốc chống trầm cảm. Do đó, cách hạn chế tốt nhất là xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao, tránh căng thẳng và tạo thói quen đi ngủ đúng giờ để tránh rối loạn giấc ngủ, khi ngủ phải có tư thế nằm ngủ thoải mái làm cho toàn bộ cơ bắp giãn, đầu không vẹo lệch, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.
Ngoài ra, có thể trau dồi kiến thức để tăng khả năng thích nghi với cuộc sống, giảm áp lực trong công việc. Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 10/2014, của tác giả Sharpless BA, đại học bang Washington, khoảng 79% những người được hỏi cho rằng, những cách thức lành mạnh trên rất hiệu quả. Một cách khác là thay, vì ngăn chặn bóng đè, có thể tìm cách phá vỡ nó bằng cách cử động một bộ phận cơ thể như ngón tay hoặc thư giãn toàn thân. Cách thức này được 54% người được hỏi tin rằng có hiệu quả.