Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Nhiều người hiểu lầm, khi căn cước công dân gắn chíp được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang sử dụng chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang căn cước công dân gắn chíp - theo Lao động Thủ đô.
Điều này là không đúng. Thực tế chỉ có những người có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân bị hết hạn, hoặc bị mất, hỏng mới phải đi đổi sang loại căn cước công dân gắn chíp. Khi căn cước công dân gắn chíp được đưa vào sử dụng sẽ song song tồn tại các loại giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chíp.
Căn cước công dân gắn chíp tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó công dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.
Việc đổi sang căn cước công dân gắn chíp không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số căn cước công dân mã vạch trước đó vì số trên căn cước công dân gắn chíp với số trên căn cước công dân mã vạch là giống nhau. Sau khi được cấp căn cước công dân gắn chíp, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số căn cước công dân trước đây bình thường.
Thời hạn sử dụng đối với căn cước công dân gắn chíp, sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi công dân không phải đổi. Đối với công dân đã được cấp căn cước công dân mã vạch hoặc sau khi đổi sang căn cước công dân gắn chíp mà đến thời hạn tuổi quy định thì cũng phải đi đổi căn cước công dân gắn chíp mới.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng đưa tin, để kịp tiến độ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân tới tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu, các đơn vị thành viên ban chỉ đạo cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên.
Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương phải được kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ ngay, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; phải kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ với việc thực hiện “chiến dịch” cấp căn cước công dân và thu thập dữ liệu dân cư.
Tính đến ngày 26/2, công an các địa phương đã thu nhận được hơn 900.000 hồ sơ căn cuớc, phối hợp với nhà thầu sản xuất, in cá thể hóa và chuyển trả công an địa phương hơn 139.000 thẻ.