Một lớp tập huấn về điều trị cai nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Ảnh: N.K
Đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng
Nho Quan là một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình. Do không có nghề truyền thống nên ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu đi làm xa nhà, từ đó dẫn đến hệ lụy sa ngã vào tệ nạn ma túy. Toàn huyện có 313 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 181 người nghiện ngoài xã hội; 3 xã, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy; 4 điểm phức tạp về tệ nạn ma túy.
Trước sự gia tăng và tính chất phức tạp của tệ nạn ma túy, Đảng ủy, UBND huyện Nho Quan đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhằm tổ chức cai nghiện cho những người mới nghiện, người nghiện có quyết tâm cao từ bỏ ma túy.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã có vị trí địa lý liền kề nhưng không đủ điều kiện để tổ chức mở lớp, liên kết tổ chức một lớp tại xã Gia Tường là một xã có nhiều người nghiện ma túy và có kinh nghiệm trong công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Sau khi được lựa chọn là đơn vị chủ trì, UBND xã Gia Tường đã xây dựng kế hoạch mở lớp. Trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị: Xã Gia Tường bố trí cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ, thuốc cắt cơn và các điều kiện cần thiết cho công tác mở lớp. Các xã Thạch Bình, Phú Sơn, Lạc Vân, Đức Long, Gia Lâm, Gia Thủy có trách nhiệm di chuyển người nghiện từ địa bàn quản lý đến địa điểm cắt cơn tập trung, cử cán bộ tham gia tổ công tác cai nghiện và phối hợp trong quá trình mở lớp. Đồng thời thành lập tổ công tác cai nghiện do một đồng chí Phó Chủ tịch xã làm Tổ trưởng.
Trên cơ sở hồ sơ người nghiện được công an các xã lập ra, xã Gia Tường tổ chức hội nghị thẩm tra, xét duyệt hồ sơ và ra quyết định cai nghiện đối với từng người nghiện.
Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh tất cả các xã có tham gia lớp cai nghiện để giới thiệu về hình thức cai nghiện tại cộng đồng cũng như cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết về nghiện và điều trị nghiện, phòng tránh tái nghiện cho gia đình người nghiện, cộng đồng dân cư nhằm tránh tâm lý kỳ thị đối với người nghiện.
Đội ngũ y bác sĩ trạm y tế xã Gia Tường tổ chức khám sức khỏe ban đầu để có biện pháp phòng, chống lây nhiễm đối với người nghiện có HIV, lập bệnh án theo dõi đối với từng người nghiện.
Trạm y tế xã Gia Tường được lựa chọn làm điểm cắt cơn tập trung đã bố trí một phòng và cử các cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị nghiện, tổ chức cắt cơn, theo dõi người nghiện theo phác đồ của Bộ Y tế trong thời gian 7 ngày.
Các thành viên trong Tổ công tác được phân công phối hợp với công an viên xã Gia Tường theo dõi, quản lý người nghiện trong thời gian cắt cơn, đảm bảo an ninh trật tự.
Sau thời gian cắt cơn, 100% trong số 29 người nghiện được xét nghiệm đều âm tính với chất ma túy và được lập biên bản bàn giao về gia đình quản lý.
Anh Đinh Văn Đoàn, thôn Sơn Cao, xã Gia Tường (bên trái) đã cai nghiện thành công và xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: CTV
Chú trọng quản lý sau cai
Các thành viên Tổ công tác cai nghiện được phân công theo dõi, quản lý, người sau cai nghiện đã hỗ trợ người sau cai nghiện xây dựng kế hoạch cá nhân và giúp họ từng bước thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Qua thực tiễn hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện trên địa bàn xã cai nghiện thành công, các thành viên Tổ công tác cai nghiện thấy rằng: Để công tác cai nghiện có hiệu quả bền vững thì cần chú trọng công tác quản lý sau cai, vì đây là thời gian nhạy cảm, người nghiện dễ bị tái nghiện khi tâm lý không ổn định như gia đình bất hòa, bị mất lòng tin, bị kỳ thị, bạn bè rủ rê tái sử dụng ma túy… Do đó, cán bộ Tổ công tác cần có kỹ năng tư vấn tâm lý, thường xuyên sâu sát hỗ trợ cho người sau cai nghiện để họ vượt qua những khoảnh khắc dễ bị tái nghiện.
Một mặt, các thành viên Tổ công tác thường xuyên thăm hỏi, động viên người sau cai nghiện giúp họ ổn định tâm lý, có đời sống tinh thần khỏe mạnh, có mối quan hệ tốt với gia đình và cộng đồng dân cư, tránh tình trạng bị kỳ thị, xa lánh từ đó dẫn tới hành vi tiêu cực là quay trở lại với ma túy.
Mặt khác, các thành viên Tổ công tác luôn quan tâm đến vấn đề dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện như: đứng ra bảo lãnh cho 1 người sau cai nghiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện Nho Quan số tiền 30.000.000 đồng để sản xuất kinh doanh; liên hệ với nhà máy gạch Gia Tường, doanh nghiệp Mạnh Tường nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Nhờ có công việc, có thu nhập ổn định lại thường xuyên được các cán bộ Tổ công tác hỗ trợ giúp đỡ về tâm lý, tạo được uy tín, lòng tin với gia đình và cộng đồng nên cho đến nay, 9/29 người nghiện được cai nghiện đã có chuyển biến rõ rệt, đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, có người trở thành gương điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi như anh Đinh Văn Đoàn (thôn Sơn Cao). Nhờ đó tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn đã có nhiều chuyển hướng tích cực, góp phần giảm số người nghiện trên địa bàn huyện.
Huyền Không/GĐ&TE