Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiệu quả từ Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện

Qua những năm triển khai Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tài trợ, nhiều trẻ em đã được tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giáo dục mầm non. Các em được an toàn, khỏe mạnh, sẵn sàng cho các hoạt động học tập, vui chơi, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em những năm đầu đời, đồng thời tạo điều kiện cho tất cả trẻ em có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình, UNICEF đã hỗ trợ 03 tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum thực hiện Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện. Với những hoạt động ý nghĩa, dự án đã góp phần chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Mục tiêu “Không có trẻ em bị bỏ lại phía sau”.

Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2021 do UNICEF tài trợ không hoàn lại được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện: Kbang, Krông Pa và Mang Yang, với các hợp phần: chính sách xã hội, y tế, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Với sự hỗ trợ kinh phí từ UNICEF Việt Nam (trên 51,6 tỷ đồng) và sự bố trí vốn đối ứng kịp thời của tỉnh (7,76 tỷ đồng), dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua 5 năm triển khai, toàn tỉnh có 705 lượt cán bộ được tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; hỗ trợ, can thiệp 300 trường hợp trẻ bị tổn thương, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; 26.600 lượt bố mẹ được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành phát triển trẻ thơ toàn diện; trên 80% hộ trong xã có con 0-8 tuổi tham gia sinh hoạt; có 219 nhóm với 1.752 buổi tập huấn được tổ chức cho trên 3.000 lượt cha mẹ về chương trình làm cha mẹ “Không ai hoàn hảo”. Cùng với đó, 974 lượt giáo viên được tập huấn nâng cao năng lực triển khai các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai tốt chương trình “Lớn lên cùng âm nhạc” giúp các cháu biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ.

Nhằm nâng cao sức khỏe cho bà mẹ mang thai và trẻ em, dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế cho 616 lượt cán bộ y tế; 2.074 bà mẹ mang thai được uống viên đa vi chất; 67.810 trẻ 6-23 tháng tuổi được bổ sung gói bột đa vi chất; 112 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được quản lý điều trị theo mô hình IMAM. Đặc biệt, 34 chỉ tiêu liên quan tới trẻ em đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có dự án triển khai.

Anh Hyư - thành viên Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Ayun (huyện Mang Yang) cho hay: “Dự án đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn, những người làm cha mẹ có thể tiếp thu kiến thức liên quan tới chăm sóc con cái, biết lựa chọn thực phẩm có dinh dưỡng, được hướng dẫn cách chăm sóc gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với UNICEF Việt Nam để bàn về nội dung chương trình hợp tác Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2022-2026, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chia sẻ: “Gia Lai là tỉnh nghèo nhưng chúng tôi rất quan tâm tới trẻ em. Thời gian tới, Gia Lai cam kết sẽ bố trí lượng vốn nhất định để đối ứng, đảm bảo các hợp phần trong dự án được triển khai thuận lợi, để các cháu được hưởng lợi một cách tốt nhất với mục tiêu “Không có trẻ em bị bỏ lại phía sau”.

Kon Tum: Xây dựng các mô hình phát triển trẻ thơ toàn diện trong cộng đồng

Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2017- 2021 do UNICEF tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Kon Tum được thực hiện từ năm 2017 đến 2021 tại 9 xã của 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy với 4 hợp phần chính gồm y tế, giáo dục, chính sách xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; năm 2020, hợp phần nước sạch được bổ sung thêm vào Dự án.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hà Duy

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hà Duy

Sau gần 04 năm thực hiện, các địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tiên là sự thay đổi tích cực đối với các dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu. Đối tượng chính là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phụ nữ mang thai được cung cấp dịch vụ khám thai định kỳ, được tiêm chủng và tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi để giảm thiểu các rủi ro do sinh nở. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng Phòng Trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cho biết, dự án nhằm đào tạo kỹ năng, nâng cao kiến thức cho cán bộ ngành Y tế, Giáo dục, Lao động - Thương binh & Xã hội, các bậc cha mẹ trong thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; trên cơ sở đó, xây dựng được các mô hình phát triển trẻ thơ toàn diện trong cộng đồng. Dự án đã thành lập được Ban  bảo vệ trẻ em cấp huyện, trong đó có các thành viên là 9 xã trong vòng dự án và đã can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng như trẻ em nghèo trên địa bàn 03 xã.

Hiện nay, 42 xã trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ công tác xã hội liên quan đến trẻ em. Các địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có cơ hội sống tốt hơn. Giai đoạn 2020 – 2021, UNICEF tiếp tục tài trợ tỉnh Kon Tum thực hiện Dự án với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng. Đối với hợp phần chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã mở gần 10 lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức ngành đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, đến hết tháng 11/2021, qua triển khai các hoạt động trong hợp phần chăm sóc và bảo vệ trẻ em thuộc Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện, 85% cha/mẹ/người chăm sóc có con trong độ tuổi 0-8 tuổi đã có những nhận thức tích cực, chăm sóc con không bạo lực; khoảng 74% trẻ em 0-3 tuổi thuộc vùng dự án nhận được các chăm sóc thích hợp theo độ tuổi, được tương tác sớm với cha/mẹ/người chăm sóc theo hướng phù hợp, tích cực;…

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Kon Tum, có 70% trẻ em trai và gái từ 6-8 tuổi đã biết tìm địa chỉ thông báo, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; 80% trạm y tế xã triển khai dự án có những can thiệp dinh dưỡng thiết yếu cho bà mẹ có thai và trẻ. Từ các hoạt động can thiệp về truyền thông, tỷ lệ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%. Đáng chú ý, UBND tỉnh thống nhất phê duyệt 30 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển trẻ thơ toàn diện giai đoạn 2016 - 2025, tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy việc phát triển trẻ thơ toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên: Nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển trẻ thơ toàn diện

Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017 - 2021 được triển khai trên địa bàn 9 xã thuộc 3 huyện: Tả Phìn, Sín Chải, Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa); Mường Thín, Mường Mùn, Nà Tòng (huyện Tuần Giáo); Háng Lìa, Pú Nhi, Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông). Với mục tiêu đến hết năm 2021, tất cả trẻ em từ 0 - 8 tuổi đều được phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý, tinh thần, đạo đức, xã hội; trẻ được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần… Sau gần 4 năm triển khai, dự án đã tổ chức được 4 mục tiêu chính, gồm: Kỹ năng về phát triển trẻ thơ toàn diện; nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ; nâng cao năng lực của hệ thống cung cấp dịch vụ và sự sẵn có của dịch vụ... Trong đó có những hoạt động: Nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển trẻ thơ toàn diện tại địa bàn dự án; nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các sở, ngành liên quan đến phát triển trẻ thơ toàn diện; nâng cao năng lực của hệ thống cung cấp dịch vụ và sự sẵn có của dịch vụ; môi trường hỗ trợ triển khai hoạt động của chương trình…

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số hoạt động của Dự án. Mặc dù vậy, các mục tiêu chính đã được thưc hiện đầy đủ và thu được những kết quả tích cực, trong đó tổ chức tuần lễ hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng tại 18 trường Tiểu học và THCS với sự tham gia của 6.524 học sinh, giáo viên; trên 500 lượt trẻ em trong cơ sở bảo trợ xã hội được truyền thông về các kiến thức phòng, chống xâm hại, mua bán trẻ em, phòng ngừa tai nạn thương tích và phòng chống Covid-19; thực hiện trên 1.150 buổi truyền thông, tư vấn nhóm, thăm 894 hộ gia đình tuyên truyền các nội dung về y tế, dinh dưỡng, nước sạch vệ sinh môi trường; hơn 16.580 lượt người tham gia các buổi truyền thông về giáo dục, tương tác sớm với trẻ và kỹ năng làm cha mẹ tích cực; 100% các xã Dự án duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho trên 1.000 trẻ em nhu yếu phẩm: Chăn ấm, gạo, dầu ăn, giầy, dép, khẩu trang y tế... Duy trì hoạt động mạng lưới công tác viên tại các xã Dự án.

Định hướng kế hoạch hoạt động của Dự án trong năm 2022, tỉnh Điện Biên sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động của Ban bảo vệ trẻ em; nâng cao chất lượng sinh hoạt và tiếp tục thực hiện hiệu quả câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện tại các xã thụ hưởng Dự án. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Dự án đề ra góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tuy Dự án đạt được những kết quả nhất định, song trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là những hạn chế về kiến thức của người dân, tập quán lạc hậu trong chăm sóc bà mẹ trẻ em, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số; thành viên hệ thống bảo vệ trẻ em hoạt động kiêm nhiệm, gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ…