Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiệu quả từ những cách làm hay, mô hình phù hợp

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai luôn là vấn đề nan giải gây nhiều nhức nhối, tình trạng người nghiện vì thế cũng ngày một gia tăng và càng có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, bằng những cách làm hay, mô hình phù hợp, Đà Nẵng đang từng bước kiềm chế hiệu quả tình trạng người nghiện gia tăng, hạn chế tối đa tỷ lệ tái nghiện ở người sau cai.

 

Cai nghiện tại gia đình- cộng đồng

Khác với khi người nghiện được đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, mô hình cai nghiện tại gia đình- cộng đồng ngay từ khi được triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng và bản thân chính những gia đình có con em lần đầu vướng vào “nàng tiên nâu”, bởi đây là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, không gây sự mặc cảm, tự ti cho người nghiện. Chi phí cai nghiện theo hình thức này cũng thấp hơn rất nhiều so với việc đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Trong khi đó, đối với những trường hợp mới nghiện hoặc nghiện ở mức độ nhẹ, không kể việc đưa lên cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa phù hợp, mà đây chính là thời điểm các em rất cần được sự chỉ bảo, hỗ trợ, cảm hóa từ chính gia đình và cộng đồng để nhận ra những lầm lỗi trong hành trình tìm về với chính mình. 

 

Nhiều thanh niên lầm lỗi đã trở thành người có ích cho gia đình cộng đồng từ sự hỗ trợ, giúp đỡ, cảm hóa từ chính những cán bộ cơ sở

 

Hiệu quả, tuy nhiên để thực hiện thì không hề dễ dàng, khi mới đưa vào áp dụng, không ít cán bộ chuyên trách ở cơ sở lo lắng, cũng đã có không ít những ý kiến trái chiều về tính hiệu quả mà mô hình mang lại. Bởi trên thực tế, việc quản lý đối tượng này tại các địa phương lâu nay vốn đã không dễ, chưa kể nhiều đối tượng mặc dù thuộc diện đang quản lý tại địa phương nhưng lại thường xuyên không có mặt ở nơi cư trú... Anh Trần Ngọc Lĩnh, cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội phường Tân Chính, quận Thanh Khê cho biết, nan giải nhất vẫn là thái độ không hợp tác của gia đình người nghiện. “Nhiều gia đình chỉ lo chuyện làm ăn nên không quan tâm đến người thân đang nghiện. Một số khác sợ ảnh hưởng đến danh dự, không muốn để hàng xóm, mọi người biết đến nên từ chối việc cho con em tham gia vào các hoạt động tại cộng đồng. Có những trường hợp, người nghiện bị chính người thân xa lánh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và quyết tâm cai nghiện của họ, cũng như khiến việc phối hợp của chúng tôi với gia đình gặp nhiều khó khăn, bế tắc.”, anh Lĩnh chia sẻ.

Quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng được thực hiện theo phương thức cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là Trung tâm Y tế các quận, huyện hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

“Mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Các địa phương bằng việc tổ chức chặt chẽ từng công việc cụ thể, từ khâu lập hồ sơ, điều trị, cắt cơn, giải độc đến quản lý, phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện thì đều có những nhận xét, đánh giá định kỳ. Đến nay, sau hơn 1 năm đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình-cộng đồng, Đà Nẵng có 309 người nghiện tham gia, trong đó hiện chỉ còn 21 người đang cai, trong diện quản lý. Số còn lại không tái nghiện và đã hòa nhập cộng đồng”, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết.

Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thay vì sử dụng các biện pháp hành chính

Năm 2015, TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch 4107/KH-UBND về việc phối hợp cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thí điểm 100 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Bằng việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Hội, đoàn thể, với tâm huyết, trách nhiệm, coi các em như chính con cháu trong nhà, đến nay nhiều em đã đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”, có công ăn việc làm và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Trong đó, có thể kể đến trường hợp em Hà Văn Tiến, sinh năm 1992, trú tại tổ 127a, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Sau khi cai nghiện thành công, Tiến đã được cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Quốc Nông nhận vào làm việc với mức lương đủ để em trang trải cuộc sống và được lao động trên chính đôi tay của mình. Hay trường hợp em Phan Thanh  Hùng, sinh năm 1993, trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê. Từ một thanh niên chỉ thích ham chơi, tụ tập rồi sa đà vào tệ nạn xã hội, giờ đây nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội cựu chiến binh phường Tam Thuận, Hùng đã được hỗ trợ học nghề và hiện đang làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương khá ổn định. Hay trường hợp các em Bùi Văn Thôi (sinh năm 1997, quận Cẩm Lệ) hiện đang bán hàng lưu niệm tại Ngũ Hành Sơn; em Lê Văn Hảo (sinh năm 1996, huyện Hòa Vang) làm công nhân KCN Điện Ngọc; em Trần Văn Hồng (sinh 1993, quận Sơn Trà) làm thợ sửa xe máy... đều đã tiến bộ và trưởng thành từ những lầm lỗi.

Chị Mai Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, người đã trực tiếp giúp đỡ, cảm hóa thanh niên từng sử dụng trái phép chất ma túy tiến bộ chia sẻ. “Hãy coi các cháu như chính con cháu mình, ân cần khuyên nhủ. Bởi vì khi các cháu sai, cần phải có người chỉ bảo, phân tích những điều hay lẽ phải thì các cháu mới nhận ra lỗi lầm để quyết tâm đứng lên làm lại vì chính cuộc đời mình”.

Từ những kết quả mà công tác cảm hóa, giáo dục mang lại, năm 2017 ngoài việc tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm giúp đỡ các thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy đã được cảm hóa, giáo dục tiến bộ năm 2016, Đà Nẵng sẽ tiến hành tổ chức cảm hóa, giáo dục giúp đỡ tiếp 125 em mới được phát hiện có sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, Hội Cựu chiến binh sẽ cảm hóa, giáo dục 45 em; Hội Phụ nữ cảm hóa 40 em và Thành đoàn Đà Nẵng 40 em. Mục tiêu đến cuối năm 2017, Đà Nẵng sẽ có 100% số em trong diện được xem xét tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp kèm cặp, giúp đỡ; trên 30% số em trong diện được hỗ trợ học nghề, học văn hóa; 80% được hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm việc và trên 75% số em được cảm hóa, giáo dục tiến bộ.