Hà Giang có nguồn lao động tương đối dồi dào, nhưng chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 55,2%, kỷ luật lao động của người lao động nhìn chung còn hạn chế. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, chưa phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Bên cạnh đó, địa hình đi lại khó khăn, các doanh nghiệp đến hoạt động trên địa bàn còn hạn chế nên người lao động không có cơ hội tham gia làm việc tại các khu công nghiệp. Cơ cấu lao động đã từng bước chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp- xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong nông - lâm- nghiệp, nhưng tốc độ chuyển dịch chậm chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hà Giang cũng là tỉnh miền núi biên giới với địa hình phức tạp, giao thông chia cắt, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế.
Nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Giang đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giải quyết việc làm. Nhiều chính sách đã ban hành nhằm chuyển dịch cơ cấu việc làm sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng cường khả năng giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả vận hành của thị trường lao động. Vì vậy, số lao động có việc làm tăng dần theo các năm, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện có hiệu quả Quỹ quốc gia về việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã chủ trì và phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, các ngành liên quan chỉ đạo các ngành, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch, tổ chức giải ngân dự án vốn vay tạo việc làm. Theo dõi đôn đốc các huyện, thành phố và hội đoàn thể đẩy mạnh tiến độ cho vay và thực hiện cho vay đúng quy chế, đúng đối tượng; hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện tổ chức triển khai thực hiện cho vay vốn tạo việc làm…
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh đến thời điểm 30/6/2021 đạt 195,84 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt 78,550 tỷ đồng, nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác đạt 45,384 tỷ đồng, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 71,906 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng doanh số cho vay từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 - 2021 đạt 180,86 tỷ đồng, tổng dư nợ 76,868 tỷ đồng với tổng số 5.505 dự án cho vay; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 5.505 lao động, trong đó có 2.279 lao động là người dân tộc thiểu số.
Doanh số cho vay từ nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác đạt 54,115 tỷ đồng, tổng dư nợ 43,423 tỷ đồng với 1.123 dự án cho vay, số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 1.123 lao động, trong đó 581 lao động là người dân tộc thiểu số.
Cho vay từ nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 77,238 tỷ đồng, tổng dư nợ 66,897 tỷ đồng với 1.710 dự án, trong đó có 702 dự án của người dân tộc thiểu số với 702 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần tích cực vào việc duy trì và mở rộng việc làm, làm đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cùng chung sức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Nhờ đó, tính đến cuối năm 2020, số lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh là 529.363 người, chiếm 99% so tổng lực lượng lao động; trong đó lao động nam chiếm 50,43%, lao động nữ chiếm 49,57%. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 7,56%, tỷ trọng việc làm ngành Dịch vụ chiếm 14,92%, ngành Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản giảm dần xuống còn chiếm 77,52%.