Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiệu trưởng dâm ô học sinh - Chuyện đau đớn lắm!

 
Cần phải xử nghiêm đối với ông hiệu trưởng Đinh Bằng My và dứt khoát đưa ra khỏi ngành giáo dục. Ảnh: Internet
 
Chuyện không tưởng tượng nổi diễn ra nhiều năm ở một ngôi trường
            
Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định: ông Đinh Bằng My (sinh năm 1961) - Hiệu trưởng Trường THPTDTNT huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có hành vi dâm ô học sinh trong nhiều năm. Nhiều người bất ngờ, sửng sốt và đau đớn trước thông tin này. Tôi không muốn tin đây là sự thật, nhưng càng ngày càng có nhiều chứng cứ về việc ông hiệu trưởng phạm tội. Ông đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam về tội Dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi. 
 
Có một chi tiết đáng chú ý ở đây là ông hiệu trưởng dâm ô học sinh nam. Với thế giới và trước pháp luật, dâm ô trẻ em dù là nam hay nữ đều cấu thành tội phạm như nhau. Nhưng với nhiều người Việt Nam, việc quan hệ tình dục đồng giới vẫn còn là một điều gì đấy bí ẩn và ghê rợn hơn bình thường. Thật vậy, với những lời khai của những nam học sinh bị dâm ô, ngoài chuyện vi phạm pháp luật ra, ở đây chúng ta còn thấy sự đê tiện, bỉ ổi, kinh tởm…
 
Ông hiệu trưởng Đinh Bằng My đã lợi dụng triệt để quyền lực của mình để dâm ô nhiều nam học sinh trong thời gian dài mà không bị lộ. Đây là sự đê tiện. Ông còn bắt một số giáo viên gọi học sinh lên cho ông ấy dâm ô. Đây là sự bỉ ổi. Còn chuyện kinh tởm là cái cách mà ông ấy dâm ô học sinh nam ngay tại trường. Đây là chuyện không ai có thể tưởng tượng nổi trước khi nó bị phanh phui.
 
Thật vậy, với những lời khai của những nam học sinh bị dâm ô, ngoài chuyện vi phạm pháp luật ra, ở đây chúng ta còn thấy sự đê tiện, bỉ ổi, kinh tởm…
Lộ ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm và cần khắc phục
 
Chuyện hiệu trưởng dâm ô học sinh là chuyện tày đình. Ấy vậy mà chuyện này lại diễn ra với nhiều học sinh, trong nhiều năm, ngay tại trường, giữa thanh thiên bạch nhật mà lại không bị lộ. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm đầu tiên. 
 
Ông hiệu trưởng giỏi giấu giếm, giỏi ngăn chặn hay các tổ chức và cá nhân thuộc nhà trường đồng lõa, bao che? Có thật là hai hiệu phó và hàng chục giáo viên ở đó không hề biết gì về những việc làm bỉ ổi của hiệu trưởng? Nếu biết mà im lặng nghĩa là đồng lõa. Mọi người cho rằng, giáo viên ở đây chỉ vô cảm. Còn tôi thì cho rằng, đồng lõa với cái xấu, cái ác cũng là yếu tố cấu thành tội phạm.
 
Vấn đề đáng suy ngẫm thứ hai là nhiều học sinh bị dâm ô đã xin cha mẹ mình chuyển trường, nhưng các vị phụ huynh đó lại không quan tâm đúng mực và không đáp ứng nguyện vọng của con. Như vậy là cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình. 
 
Vấn đề đáng suy ngẫm thứ ba là chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lẽ nào lại không cảm thấy hơi hướng của cái xấu, cái ác hiển hiện ở địa phương mình? Phải chăng dư luận xã hội, báo chí, công an… thờ ơ trước những sự việc bất thường?
 
Phải suy ngẫm nghiêm túc về những vấn đề như vậy để có thể phát hiện ra những vụ việc tương tự ở các địa phương khác.

 
Học sinh nếu bị lợi dụng, xâm hại tình dục, các em quá non nớt không dám kêu ai. Ảnh minh họa (Internet)
 
Giải quyết vụ việc thế nào cho thỏa đáng?
 
Những ngày qua, dư luận xã hội, báo chí, mạng xã hội đã bàn luận rất nhiều về vụ việc này. Sự lên án mạnh mẽ, rộng rãi ở khắp mọi nơi là điều dễ hiểu. Những đề nghị cụ thể của những quan chức cao cấp là phải đưa hiệu trưởng dâm ô học sinh ra khỏi ngành giáo dục cũng cho thấy thái độ dứt khoát của chính quyền về sự kiện đau đớn này. Việc các luật sư viện dẫn những điều luật để buộc tội ông hiệu trưởng vào các khung hình phạt là điều cần thiết. Các chuyên gia về tâm lý, giáo dục đưa ra những nhận xét gay gắt về cách ứng xử, về đạo đức, đạo lý chứng tỏ sự kiện này gây xôn xao trong xã hội…
 
Tuy nhiên, tất cả những phản ứng trên vẫn chưa làm chúng ta thỏa mãn, vẫn chưa làm dịu nỗi đau của những gia đình có con bị xâm hại… Và điều quan trọng nhất -  vẫn không làm cho các nạn nhân bớt hoang mang, sợ hãi. Trên thực tế, nạn nhân của vụ dâm ô này bị tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, tinh thần, thể chất. Các em hiện đang cần sự chăm sóc đặc biệt.
 
Như vậy, để giải quyết tương đối ổn thỏa vụ việc này, chúng ta cần phải tiến hành nhiều hoạt động song song cùng một lúc. 
 
Trước hết, đó là phải điều tra cụ thể, kỹ lưỡng sự việc để có cơ sở đưa ra những quyết định thấu đáo, có tình có lý đối với thủ phạm và những người liên quan. Chúng ta phải hiểu được tại sao ông Đinh Bằng My lại có những hành động tồi tệ như vậy ngay trong một ngôi trường? Ông có ý thức được việc làm của mình mang tính hủy hoại môi trường giáo dục nói riêng và xã hội nói chung không? Còn việc ông phải chịu hình phạt nghiêm khắc đến đâu là do pháp luật quy định.
 
Thứ hai, nhà trường, địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp với các gia đình nạn nhân đưa ra phương án chăm sóc, bảo vệ, điều trị cho nạn nhân một cách chu đáo và hiệu quả. Phải tính đến sức khỏe tâm thần của các em trong thời gian trước mắt và tương lai lâu dài của các em. Đây là một việc làm đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc và sự kiên trì trong thực hiện.
 
Thứ ba, để cho tập thể giáo viên của Trường THPTDTNT huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tự kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm của mình tới đâu trong sự kiện đau lòng này. Họ cần phải trung thực, chân thành nhìn nhận vấn đề, sự liên quan và trách nhiệm hành chính, trách nhiệm đạo lý của mình.
 
Thứ tư, những chuyên gia về tâm lý, giáo dục, những nhà lý luận trong lĩnh vực quản lý, tổ chức cán bộ soi xét và đưa ra nhận xét và đề xuất của mình về việc bổ nhiệm hiệu trưởng, quyền hạn và trách nhiệm của chức danh này; đồng thời đưa ra cơ chế giám sát quyền lực. Xã hội không yên tâm với việc làm, cách xử sự của một số hiệu trưởng. Vấn đề dân chủ trong nhà trường được đặt ra khá bức xúc.
 
Chuyện hiệu trưởng dâm ô học sinh đau đớn và hé lộ nhiều điều đáng suy ngẫm. Vấn đề là chúng ta suy nghĩ và hành động thế nào để xã hội yên tâm?
 
Ảnh minh họa
                                                                
Cảnh giác việc lạm dụng quyền lực!
 
Nhà trường được xem là một nơi thánh thiện nhưng vẫn là một cơ cấu xã hội. Ở đây có nguyên tắc tổ chức và có cơ cấu quyền lực. Hiệu trưởng là người đứng đầu và dường như là người có toàn quyền.
 
Gần đây, nhất là từ khi có ý kiến nên bỏ chế độ biên chế trong nhà trường, người ta bàn nhiều về chức vụ hiệu trưởng. Có người cho rằng, hiệu trưởng hiện nay đã đầy quyền lực rồi, nếu bỏ chế độ biên chế thì vai trò của hiệu trưởng còn được tăng cường hơn nữa, nghĩa là quyền lực sẽ gia tăng. Một khi quyền lực tập trung vào một người, rất dễ nảy sinh tư tưởng độc quyền và lạm dụng quyền lực.
 
Điều này đã được chứng minh qua những vụ việc như cô hiệu trưởng (ở Hà Nội) đi taxi vào sân trường cán gãy chân học trò nhưng chối biến; khi vụ việc vỡ lở, còn gây sức ép để giáo viên và học sinh ủng hộ mình. Rồi đến lượt hiệu trưởng ở Quảng Bình “khủng bố” học sinh bằng cách bắt các em trả lời 19 câu hỏi liên quan đến việc cô giáo cho học sinh tát bạn. Đến lượt dâm ô học sinh trong một thời gian dài thì việc hiệu trưởng lạm dụng quyền lực đã rõ ràng. 
 
Để được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, ngoài việc có trình độ chuyên môn nghiệp vụ,  người đó còn có đôi chút nổi trội về mặt nào đó trong giao tiếp, ứng xử, hoặc có nhiều ý tưởng, nhiều mưu mô hơn. Khi hiệu trưởng lạm dụng quyền lực, họ khai thác triệt để cảm xúc sợ hãi của những người dưới quyền, vì vậy, những việc làm sai của họ thường không bị tố giác. Một khi đã có cảm giác an toàn, họ sẽ tiếp tục làm việc xấu, việc ác để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
 
Để phòng, chống hiệu trưởng lạm dụng quyền lực, việc đầu tiên là không bổ nhiệm những người không đủ đức độ và tài năng vào vị trí này (việc này khó). Việc thứ hai là cần phải có hội đồng nhà trường và chức chủ tịch hội đồng nhà trường (chức này được bầu và không phải là hiệu trưởng, hiệu phó). Trong chức năng của hội đồng nhà trường, có chức năng giám sát ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng.
 
Làm được như vậy, chúng ta sẽ chống được việc lạm dụng quyền lực trong nhà trường.
 
                                               Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE