Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hình thành hệ “miễn dịch” với ma túy trong học đường

Theo Bộ GD&ĐT, mặc dù trong thời gian qua, nhiều địa phương tổ chức học trực tuyến để phòng dịch Covid-19, nhưng tình trạng học sinh sử dụng các chất kích thích trong và ngoài cơ sở giáo dục vẫn xảy ra. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường. Việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Nguy cơ mất an toàn đối với học sinh

Tình trạng sử dụng các chất ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đang diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số tỉnh đã xảy ra hiện tượng ma túy tổng hợp được đóng gói che giấu trong các vỏ bọc rất tinh vi, nguy hiểm, khó nhận biết như gói bột thực phẩm; nước hoa quả pha uống, dạng kẹo... được bán tại hàng quà vặt khu vực gần trường học, khu nhà trọ đe dọa sự an toàn của học sinh, sinh viên, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và nhà trường trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, vẫn xảy ra nguy cơ mất an toàn đối với học sinh như việc sử dụng các loại thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử có chất kích thích.

Học sinh cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy. Ảnh: K Tiến

Học sinh cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy. Ảnh: K Tiến

Đánh giá hiệu quả hoạt động tuyên truyền và cảnh báo ma túy cho thanh thiếu niên trong trường học hiện nay còn thấp, PGS. TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) cho biết, qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy, thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy.

Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay. Đây chính là chìa khóa góp phần giảm người nghiện ma túy, bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy, với mục tiêu hình thành "vaccine" phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên.

Đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền để học sinh nhận biết tác hại của ma túy

Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, tại Nghệ An, những năm qua, công tác phòng, chống ma túy gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn, có tình trạng học sinh sử dụng ma túy và cá biệt có cả những trường hợp giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tham gia vào việc buôn bán, vận chuyển ma túy. Từ thực trạng này, tỉnh cũng đã triển khai ký cam kết giữa gia đình, học sinh, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo đơn vị về công tác phòng, chống ma túy với 4 nội dung: không thử, không giữ, không dùng và không vận chuyển ma túy; lồng ghép giáo dục phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong nội dung các môn học tích hợp có liên quan; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa…

Học sinh quan sát thực tế các mẫu vật có chứa chất ma túy. Ảnh: K Tiến

Học sinh quan sát thực tế các mẫu vật có chứa chất ma túy. Ảnh: K Tiến

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý trong trường học, ngay từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường - công an - gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy, tội phạm tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các nhà trường. Ngành Giáo dục các địa phương cũng đã tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm có nội dung về phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên ở các cấp học.

Các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa; các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường phát huy hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền để học sinh, sinh viên nhận biết các nguy cơ, tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp trá hình dưới dạng kẹo, nước ngọt bày bán khu vực cổng trường; xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa… được nhiều cơ sở giáo dục chú trọng triển khai.

Thời gian tới, tuy tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại là vô cùng cần thiết. Vì vậy, tổ chức các hoạt động phòng chống tệ nạn, phòng chống ma túy trong trường học và đảm an toàn sức khỏe học sinh cần được các cơ sở giáo dục, quan tâm theo đúng chỉ đạo, căn cứ tình hình của từng địa phương.

Nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho học sinh, chính là tạo ra loại "vaccine" để phòng chống ma tuý một cách hiệu quả, góp phần đưa mục tiêu trường học không ma túy trở thành hiện thực.

Bạc Liêu thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể cho học sinh trong trường học

Từ tháng 11/2021 - 6/2022, Bạc Liêu sẽ thực hiện thí điểm xét nghiệm tìm chất ma túy trong nước tiểu cho thanh thiếu niên, học sinh THCS, THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Số lượng, cơ cấu mẫu khảo sát: 4% trong tổng số học sinh THCS, THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; trong đó tỷ lệ nam: 80%, tỷ lệ nữ: 20%.